-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Xây bể xi măng nuôi cá trê mang lại hiệu quả khủng
06/04/2020
Với chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng, cá trê từ lâu là món ăn ưa thích của nhiều gia đình. Trong khi cá trê ngoài tự nhiên đang có dấu hiệu sụt giảm về số lượng thì cá trê thương phẩm đang là lựa chọn được nhiều hộ dân áp dụng. Bởi đây là loài cá dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều về điều kiện sống, có thể nuôi ghép với nhiều giống cá khác cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi cá trê trong hồ lót bạt, bể xi măng là hướng đi mới phù hợp với các hộ gia đình hạn chế về diện tích đất, không có ao nuôi. Ưu điểm của mô hình này là dễ chăm sóc, quản lý, hạn chế được nhiều dịch bệnh, các tác động trực tiếp của ngoại cảnh. Tuy nhiên đây là hướng đi khá mới nên bà con chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, quản lý. Do đó để giúp các nông hộ giảm thiểu tối đa rủi ro, có kiến thức trong chăn nuôi, bài viết này sẽ hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách nuôi cá trê trong bể xi măng, mời bà con cùng theo dõi.
Những giống cá trê nào đang được ưa chuộng?
Cá trê có rất nhiều loại khác nhau. Ở nước ta hiện nay có 4 loại cá trê được nuôi phổ biến là: Cá trê đen (phổ biến ở miền Bắc), cá trê trắng, cá trê vàng (phổ biến ở miền Nam) và cá trê phi (mới được du nhập cách đây vài năm). Chưa kể còn có các loại cá trê lai từ những dòng khác nhau như trê vàng lai trê trắng, trê vàng lai trê phi…
Đối với cá trê đen và cá trê vàng, nuôi 5 tháng đạt kích cỡ 450g – 500g/con. Giá bán thương phẩm của chúng dao động từ 50.000 - 70.000đ/kg (theo từng khu vực).
Còn cá trê phi có trọng lượng lớn hơn, sau 5 tháng nuôi, có thể đạt cỡ 1kg - 1,2kg/con hoặc lớn hơn. Giá bán cá trê phi thương phẩm vào khoảng 30.000 – 35.000đ/kg (theo từng khu vực).
Tùy theo nhu cầu tiêu thụ của từng vùng mà bà con có thể lựa chọn nuôi loại nào cho phù hợp.
Cách xây bể xi măng nuôi cá trê
Vị trí:
Xây bể ở gần nhà, sau vườn, dễ dàng chăm sóc quản lý nhưng yên tĩnh, ít người đi lại.
Đồng thời vị trí xây bể phải thuận tiện về nguồn nước, có hệ thống tiêu nước khi xả bể.
Cách xây hồ xi măng nuôi cá:
Hình dáng: bể xi măng hình chữ nhật dạng bể chìm.
Diện tích phù hợp nhất: 15m2 – 20m2 là phù hợp.
Chia thành các bể nhỏ, ở giữa có lối đi để thuận tiện chăm sóc.
Độ sâu cần thiết: 1m – 1,5m
Xung quanh bể xi măng nên có lưới quây cao để đề phòng cá bảy ra ngoài (đặc biệt là nuôi cá trê vàng).
Phía trên thiết kế mái che, có thể dùng mái xi măng tấm hoặc mái lá để giảm các ảnh hưởng của ngoại cảnh (mưa, nắng gắt, gió lạnh…).
Nền bể xi măng nên xây với độ nghiêng khoảng từ 5% – 10% về phía ống thoát nước. Dưới nền trải một lớp cát dày khoảng 5cm – 10cm để khi cá trê tiếp xúc với đáy bể xi măng không bị tổn thương, xước xát tác động đến chất lượng cá. Đồng thời cát cũng có chức năng lọc nước nên sẽ giúp bà con tiết kiệm được một lượng nước sạch để nuôi cá trê.
Điều kiện môi trường và nguồn nước nuôi cá:
Sống được trong môi trường nước hơi phèn và nước lợ có độ mặn dưới 5%.
Độ pH: 5,5 - 8,0.
Do có cơ quan hô hấp phụ nên cá trê có thể sống được khi hàm lượng oxy trong nước giảm xuống mức thấp nhất từ 1 - 2 mg/l (đây là lợi thế khi nuôi cá trê trong bể xi măng so với các giống cá khác).
Xử lý bể xi măng trước khi thả cá trê:
Nên hoàn thiện bể trước ít nhất 1 tháng khi nuôi cá. Tương tự như mô hình nuôi cá trê ở ao, trước khi thả cá, bể xi măng cũng cần được xử lý. Đối với bể cũ đã từng nuôi thì chỉ cần rửa sạch bằng nước, để ngâm nước khoảng 5 – 7 ngày sau đó tháo nước, rửa lại.
Đối với bể mới xây, bà con dùng phèn chua để ngâm trong bể mục đích làm giảm mùi của xi măng, loại bỏ vụn xi măng còn lại. Cũng ngâm khoảng 5 – 7 ngày thì tháo nước, rửa sạch, tiếp tục ngâm bằng nước bình thường 5 ngày tiếp theo. Xả đi, rửa lại lần cuối cùng là bà con có thể thả cá giống.
Chọn giống cá trê
Giống cá trê nuôi thương phẩm
Hiện nay có 4 giống cá trê đang được nuôi phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên để nuôi thương phẩm trong bể xi măng, bà con có thể chọn một trong những giống cá cho năng suất cao hơn dưới đây:
Cá trê phi:
Trê phi có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, trong môi trường tự nhiên, sau 6 tháng cá có thể đạt 1kg/con, nặng từ 250gr/con - 2.500gr/con. Nếu nuôi thương phẩm với chế độ chăm sóc, quản lý, cung cấp đầy đủ thức ăn và dưỡng chất thì chỉ sau 3 tháng đã được xuất bán, thịt thơm ngon; thu lại lợi nhuận sớm.
Cá trê lai:
Cá trê lai là thành quả lai tạo của trê đen - trê phi và trê vàng - trê phi để đáp ứng nhu cầu nuôi trồng của các nông hộ, trang trại nuôi trồng trên cả nước.
Trong đó, trê vàng lai được nuôi phổ biến hơn, ngoại hình tương tự như trê vàng nhưng thân có màu vàng xám hoặc nâu vàng xám, bụng vàng nhạt, u lồi ở xương chẩm gần giống chữ M với các góc cạnh tròn chứ không nhọn như trê phi. Trê vàng lai nuôi thương phẩm chỉ từ 3 - 4 tháng có thể thu hoạch, trọng lượng có thể đạt từ 150gr/con - 200gr/con thậm chí 500gr/con, năng suất trung bình đạt khoảng 100 - 200 tấn/ha/vụ.
Yêu cầu chọn giống cá trê nuôi:
Chọn mua giống tại những trang trại uy tín, có giấy chứng nhận.
Con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều là tốt nhất.
Cá bơi lội nhanh nhẹn, trên thân không bị xây xát, không bị nhiễm bệnh.
Hiện nay tại các trại giống thường cung cấp nhiều giống cá trê với kích cỡ khác nhau, bà con có thể xem xét lựa chọn để nuôi nhanh lớn.
Thông thường nên chọn cỡ cá 3cm - 4cm thì sẽ giảm chi phí con giống, tuy nhiên thời gian thu hoạch sẽ lâu hơn. Còn chọn cá giống từ 5cm -7cm giá thành cao nhưng lại giảm tỷ lệ hao hụt.
Ngoài ra, nếu ở miền Bắc, các nông hộ có thể nuôi cá trê đen. Trê đen thịt thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng và giá thành cao nhưng sản lượng thấp, kích cỡ bé, con trưởng thành 3 tuổi mới nặng khoảng 300gr.
Nếu ở miền Nam có thể xem xét nuôi cá trê vàng. Đây cũng là một giống cá cho thịt thơm ngon, năng suất nuôi trung bình đạt từ 450kg/ha - 900kg/ha nhưng theo kinh nghiệm nuôi lâu năm của nhiều hộ dân thì giống cá này chậm lớn, kích cỡ nhỏ, nuôi 2 tuổi đạt 250gr.
Ở mỗi bể nuôi nuôi nên thả cá trê có kích thước đồng đều để chúng lớn nhanh, giúp bà con dễ dàng chăm sóc.
Để cá giống khỏe mạnh, trước khi thả vào bể, bà con nên ngâm cá trong dung dịch nước muối pha loãng 0,5 – 1% khoảng 5 phút để khử bụi bẩn, khử trùng.
Mùa vụ và mật độ “vàng” khi thả giống cá
Bà con có thể căn cứ vào mùa vụ sinh sản và chu kỳ đẻ trứng của các giống cá trê để chọn mua giống và thả giống cho phù hợp. Cụ thể:
Thời vụ thả giống:
Cá trê có thể nuôi được tất cả các mùa trong năm, tuy nhiên mùa vụ thả giống thích hợp nhất là từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, lúc này thời tiết ấm áp phù hợp với yêu cầu của cá trê nên dễ nuôi, nguồn thức ăn dồi dào, sẵn có, đồng thời cũng là thời điểm sau khi cá đẻ trứng nên con giống đa dạng, khỏe mạnh.
Tùy vào quá trình chăm sóc, quản lý và thức ăn cung cấp cho cá trê, nếu cá nuôi trong bể xi măng lớn nhanh, thu hoạch và xuất bán sớm, các hộ gia đình có thể nuôi thành 2 đợt để tăng năng suất, lợi nhuận.
Mùa vụ và mật độ thả cá giống:
Nuôi cá trê tại nhà, bà con cũng thả vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch.
Mật độ nuôi: 30 con/m2 – 50 con/m2.
Thả cá giống vào bể xi măng
Nên vận chuyển và thả giống cá trê vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối để đảm bảo nhiệt độ vừa phải.
Để tăng tỉ lệ sống của cá trê, trước khi thả, bà con nên khử trùng cho cá để tiêu diệt mầm bệnh, tác nhân gây hại bằng một trong những cách sau:
Sử dụng muối ăn pha loãng với nồng độ 2% - 3% để tắm cho cá trong 5 phút - 10 phút.
Dùng thuốc tím hòa vào nước với liều lượng 1gr thuốc/ 50 lít - 100 lít nước sạch để tắm cho cá trong 10 - 20 phút.
Dùng dung dịch CuSO4 pha với nước sạch nồng độ 0,5 - 0,7 gam/m3 nước để tắm cho đàn cá giống từ 20 -30 phút.
Thả cá giống từ từ vào bể nuôi tránh làm cho cá bị stress dẫn đến chết, giảm năng suất nuôi.
Công tác chăm sóc và quản lý khi nuôi cá trê trong bể xi măng
Trong hai tuần đầu tiên, sử dụng đầu lòng cá, ruột sò điệp, lòng gà vịt, giun đất, trùn quế… băm nhỏ để nuôi cá con. Dùng thêm bắp xay hoặc gạo xay đem nấu chín rồi trộn cùng cám khô theo tỉ lệ 1:1 cho cá con ăn.
Sau hai tuần đến khi xuất bán, cho cá ăn cám viên nổi tự ép. Giai đoạn này cũng có thể cho cá trê ăn cám ngô ngâm nước không cần phải nấu chín. Hàng ngày thái nhỏ cá tạp cho cá ăn.
Chia thức ăn làm hai, cho ăn vào sáng và chiều mát.
Khi nuôi cá trê, chỉ nên cho ăn cố định một chỗ, theo dõi cá ăn trong từ 1 tiếng - 2 tiếng để điều chỉnh phù hợp, tránh để thức ăn dư thừa trong bể nuôi vừa lãng phí lại ô nhiễm nước, phát sinh mầm bệnh.
Để tăng sức đề kháng cho đàn cá, định kỳ bổ sung thêm premix vitamin (có thể dùng loại cho heo thịt) 1 tuần 1 lần, liều lượng 1% - 2% tổng thức ăn, đem trộn với thức ăn hoặc ép thành cám viên nổi cho cá ăn.
Lượng thức ăn trung bình trong ngày của cá trê bằng 10% - 15% trọng lượng đàn cá. Nếu sử dụng cám viên nổi thì chỉ cần từ 5% - 7% tổng trọng lượng đàn cá nuôi trong bể xi măng.
Theo dõi sự phát triển của đàn cá, cần phân loại những con lớn hơn hay nhỏ hơn tránh để cá to cắn cá bé, gây thiệt hại số lượng.
Từ 5 ngày - 7 ngày phải thay nước cho bể nuôi cá trê một lần. Ban đầu thay 30% để cá thích nghi với môi trường nước mới.
Thường xuyên kiểm tra độ pH của nước, nếu nước nhiễm phèn, độ pH thấp thì phải rắc thêm vôi bột để cải tạo, liều lượng sử dụng 1kg/100m3 - 2kg/100m3 nước.
Hiệu quả mang lại
Nếu thực hiện đúng các kỹ thuật nuôi cá trê trong bể xi măng, cá có thể đạt quy cỡ như sau:
Nuôi từ 3 – 4 tháng đạt trên 200 – 300gram/con
Nuôi từ 5 – 6 tháng đạt trên 400 – 500gram/con
Nuôi từ 8 – 10 tháng đạt trên 600 – 800gram/con
Đối với cá trê vàng lai và cá trê phi, thời gian nuôi và khả năng tăng trưởng còn được rút ngắn hơn rất nhiều. Thậm chí chỉ sau 3 – 4 tháng nuôi bà con đã có thể thu hoạch. Vì quy trình “vỗ béo” sử dụng cám viên nổi có nguồn gốc từ thực vật, các chế phẩm vi sinh an toàn nên thịt không bị bở mà vẫn ngọt, dai, cạnh tranh tốt trên thị trường. Trần Gia hy vọng bạn có thêm kinh nghiệm chăm sóc cá trê đem lại lợi nhuận lớn cho gia đình!
-> Xem thêm Kỹ thuật nuôi cá lóc trong lưới mùng
Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:
Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0961 470 670
Email: luoitrangia@gmail.com
Các tin khác
- Làm giàu từ nông nghiệp khép kín: Con đường bền vững và thành công cho nông dân Việt Nam 07/11/2024
- Lưới cước xanh trong nuôi hải sản 21/10/2024
- Khởi nghiệp từ nông nghiệp 10/10/2024
- Lưới nhà kính trong nông nghiệp nhà màng 28/09/2024
- MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP MUA Ở ĐÂU? 25/08/2023
- Lưới lót sàn giá rẻ - Đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí 24/08/2023
- Tìm hiểu về lưới an toàn giảm thiểu tai nạn trong xây dựng 21/08/2023