Phương pháp chăm sóc sầu riêng sau mưa lớn

07/09/2019
Phương pháp chăm sóc sầu riêng sau mưa lớn

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới nên trong thời gian qua tại tỉnh Lâm Đồng có mưa rất to. Mưa to, gió lớn đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sinh trưởng và phát triển nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh, nhất là cây sầu riêng. Vì vậy, Trần Gia xin cung cấp cho bạn những lưu ý, phương pháp chăm sóc sầu riêng sau mưa lớn giúp sầu riêng không bị úa, hay chín dập làm mất giá trị thương phẩm.

Tính chất cây sầu riêng

Tên tiếng anh/Tên khoa học: Durian

Nguồn gốc, giá trị kinh tế và tình hình sản xuất

Nguồn gốc cây sầu riêng

Cây sầu riêng có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, ở Malaysia và Indonesia.

Các nước trồng được sầu riêng

Cây sầu riêng được trồng nhiều ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Mianma, Philippin, Campuchia, Lào, ngoài ra còn trồng ở Ấn Độ, Srilanca, Bruney.

Giá trị dinh dưỡng và kinh tế của cây sầu riêng

Giá trị dinh dưỡng

Sầu riêng là một loại quả rất bổ, các giá trị về calo, đường, đạm, chất béo, chất khoáng đều rất cao so với các loại quả khác.

Hạt/hột sầu riêng chứa 3,1% protit, 0,4% lipit, các chất P, Na, K, Ca, Mg, Fe, vitamin B1, B2, C... do đó cũng được sử dụng làm thức ăn và làm thuốc bổ dưỡng. Bột hạt sầu riêng được dùng làm chất phụ gia trong chế biến kẹo, mứt…

Giá trị sử dụng

- Sầu riêng thường dùng để ăn tươi, sau khi tách vỏ, cơm sầu riêng được dùng để ăn trực tiếp.

- Ngoài ăn tươi, sầu riêng còn có nhiều công dụng khác như:

+ Chế biến thành kẹo, bánh.

+ Làm phụ gia để tăng mùi vị cho kem, nước giải khát.

- Hạt/hột (hạt hay còn được gọi là hột) sầu riêng: Hột còn được luộc, nướng hoặc rang chín, ăn bùi như hạt dẻ, hạt mít.

- Gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ đạc như bàn, ghế và đồ gia dụng trong nhà.

- Rễ và lá làm thuốc hạ sốt, trị vàng da do gan: Theo kinh nghiệm dân gian lấy 10 - 20g rễ và lá sầu riêng thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống hàng ngày, đồng thời lấy lá tươi nấu nước tắm cho người bị vàng da do gan.

- Vỏ thân cây sầu riêng dùng nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp...

- Vỏ quả sầu riêng còn được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Sau khi ăn người ta lấy vỏ rửa sạch, dùng 15 - 20g thái nhỏ nấu nước uống/ngày hoặc thái lát mỏng, phơi khô để dùng dần.

Giá trị kinh tế của sầu riêng

Ở nước ta, sầu riêng là một trong những loại quả có giá trị cao hơn hẳn so với nhiều loại quả khác. Với năng suất bình quân của giống sầu riêng hạt lép từ 7 năm tuổi trở lên có khoảng 15 tấn quả/ha, với giá bán 30.000-35.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập từ 280.000.000 đến 350.000.000 đồng/ha. Nếu điều khiển được sầu riêng nghịch vụ thì giá trị này còn cao hơn nữa.

Tình hình sản xuất sầu riêng ở Việt Nam

Tình hình sản xuất

Sầu riêng được trồng chủ yếu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu long, nhiều nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Lâm Đồng. Một số nơi khác như Quảng Nam, Huế, Khánh Hòa cũng đã trồng được sầu riêng có quả to (hình 3.1.7), ngọt nhưng ít mùi thơm hơn. Diện tích trồng sầu riêng vẫn đang tiếp tục mở rộng. Đến nay, cả nước có khoảng 15.000ha.

Nguồn cung cấp sầu riêng từ sản xuất trong nước: Nguồn sầu riêng sản xuất trong nước cung cấp cho thị trường Nam Bộ chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP.HCM.

Nguồn cung cấp sầu riêng từ nước ngoài: Ngoài sản lượng sầu riêng sản xuất trong nước, hàng năm nước ta vẫn nhập một lượng khá lớn sầu riêng từ Thái Lan. Sản lượng sầu riêng nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ hầu hết ở thị trường Nam Bộ và chủ yếu ở TP. HCM.

Chất lượng sầu riêng cung cấp cho thị trường Nam Bộ: Trên thị trường có nhiều giống, các giống sầu riêng có sản lượng khá lớn là: Khổ qua xanh, monthong, hạt lép Đồng Nai… Một số giống chất lượng cao như sầu riêng monthong, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa, sầu riêng cơm vàng hạt lép Đồng Nai … đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ảnh hưởng bão số 3 đến vườn sầu riêng ở Lâm Đồng

Chiều tối ngày 31/7 - 1/8 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều địa phương xảy ra mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến nhiều diện tích sầu riêng của người dân ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, TP. Bảo Lộc bị thiệt hại nặng nề.

Tại huyện Di Linh, chị Đặng Thị Mai (ngụ xã Hòa Nam) xót xa cho biết: "Mưa lớn trong hai ngày khiến 2ha sầu riêng của gia đình tôi bị gió tuốt rụng gần như hết quả. Công làm cả năm, đầu tư biết bao công sức, tiền của giờ xem như mất trắng. Nhà tôi đổ vào vườn sầu riêng 200 triệu đồng rồi, giờ không biết lấy gì trả nợ".

Trong khi đó, ông Hồng Quang Vinh (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) cũng chua xót cho biết, gió lớn quá khiến 2ha sầu riêng ghép chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông rụng đầy gốc, lăn lóc đầy vườn. Do quá nhiều, ông Vinh phải thuê thêm 2 người nhặt nhưng cũng mới được hơn 2/3 vườn. Ước tính gió đã tuốt rụng của gia đình ông Vinh gần 7 tấn sầu riêng, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Ông Võ Thiên Bình - Chủ tịch UBND xã Lộc Nam cho biết: "Trong ngày 1/8, xã đã thành lập các tổ xuống các thôn để thống kê thiệt hại, làm văn bản báo cáo lên UBND huyện Bảo Lâm xem xét. Tuy nhiên, do số hộ dân bị thiệt hại quá nhiều, nên vẫn chưa thể thống kê được con số cụ thể. Ước tính, mưa gió đã tuốt rụng ít nhất hơn 40 tấn sầu riêng của người dân địa phương".

Tại huyện Đạ Huoai, xã Phước Lộc là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 100 cây sầu riêng của người dân ở xóm Sình Mây (thôn Phước Dũng) bị gió lốc quật ngã. Cùng với đó là hàng tấn sầu riêng của người dân bị gió giật rụng.

Theo ghi nhận, các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và TP.Bảo Lộc vẫn đang mưa lớn và kèm theo gió giật mạnh, nguy cơ sầu riêng của người dân tiếp tục bị rụng trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Đặc điểm sinh thái của cây sầu riêng

Nhiệt độ đối với cây sầu riêng

Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây sầu riêng sinh trưởng phát triển từ 24-30oC. Dưới 22 và trên 40oC đều không thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển, ra hoa và đậu quả sầu riêng.

Nước đối với cây sầu riêng

Sầu riêng là cây ưa ẩm nhưng không được đọng nước, thích hợp vùng có lượng mưa khoảng 2.000mm/năm, có thể trên 3.000mm nhưng phân bổ đều trong năm. Sầu riêng đặc biệt yếu chịu hạn, vì vậy ở những nơi có mùa khô dài 4-5 tháng như vùng Đồng bằng sông Cửu long, phải tưới nước thường xuyên cho cây, nhất là vùng đất cao của các tỉnh miền Đông. Ở Bảo Lộc, Di Linh không những có nhiệt độ ổn định mà lượng mưa cũng nhiều, mùa khô ngắn chỉ 2-3 tháng nên thích hợp cho sầu riêng.

Gió đối với cây sầu riêng

Gió lớn, cây sầu riêng dễ bị bật gốc, gãy nhánh và rụng quả nhiều, ảnh hưởng đến năng suất của cây, vì vậy cần có đai rừng chắn gió cho vườn để giảm bớt thiệt hại do gió gây ra.

Yêu cầu ánh sáng với cây sầu riêng

Khi còn nhỏ cây sầu riêng không cần nhiều ánh sáng, thích bóng râm, vì ánh sáng nhiều làm cây dễ mất nước. Nhưng khi cây lớn thì lại cần nhiều ánh sáng để quang hợp, hình thành hoa quả thuận lợi và cho sản lượng cao.

Yêu cầu đất đối với cây sầu riêng

Cây sầu riêng thích hợp với đất thịt hoặc đất thịt pha cát, đất phù sa, đất đỏ bazan, không thích hợp với đất nhiều cát, đặc biệt là đất giồng cát. Đất cần giàu chất hữu cơ, tầng canh tác dày và thoát nước. Mực nước ngầm từ 1 - 1,2m. Nếu bị đọng nước rất hay bị bệnh thối rễ, đất thấp cần đào mương bồi đất, lên liếp cao. Độ pH của đất từ 5-7. Các vùng đất đỏ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu là những nơi trồng sầu riêng thích hợp.

Yêu cầu chất dinh dưỡng đối với cây sầu riêng

Cây còn nhỏ cần nhiều đạm để sinh trưởng. Từ khi cây có quả cần nhiều lân, đặc biệt là Kali, để ra hoa tập trung và tăng chất lượng quả, giai đoạn quả trưởng thành và chín, bón đủ kali sẽ làm cho cơm có màu vàng đậm, vị ngọt hơn.

Trong thực tế thường bón thêm phân có Ca (canxi) và Mg (magie). Ca và Mg tăng cường sinh trưởng cây và chất lượng quả, nếu thiếu có thể làm “cơm” sầu riêng bị sượng.

Chăm sóc cây sầu riêng sau mưa lớn

  1. Tỉa cành, tỉa chồi vượt và thoát nước chống úng

Sau khi có mưa to và gió lớn thì cây bị lung lay, cành sầu riêng bị gãy nhiều, quả sầu riêng sẽ bị rụng vì thế bà con cần đắp đất, buộc lại những cây bị nghiêng tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập; thu nhặt những quả bị rụng đem ra khỏi vườn, đồng thời cắt tỉa những cành bị gãy do gió và cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, riêng cây mới trồng thì cần khơi lại những cây bị bùn bồi, lấp.  

Cây sầu riêng rất mẫn cảm với nước, dễ bị chết và thường không thể chống chịu trong điều kiện ngập nước vì vậy sau khi nước rút, cần tiến hành xới nhẹ nhằm phá váng ở lớp đất mặt, giúp đất thông thoáng. Cần đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây, khơi thông rãnh thoát nước, vung cao xung quanh tán không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, sự phát triển của quả.

  1. Cung cấp dinh dưỡng

Do mưa lớn kéo dài, lượng nước bề mặt và dưới bề mặt trong vườn ở tình trạng thừa đối với cây sầu riêng nên bộ rễ cây sẽ có nguy cơ bị úng gây nên hiện tượng vàng lá, nghẹt rễ và chết. Vì vậy, nông dân cần kịp thời giải quyết được mối nguy này bằng cách:

Dùng lân nung chảy (từ 500-600 gram/gốc cây con và từ 1.000 -2.000 gram/cây sầu riêng ở giai đoạn kinh doanh) hoặc các loại phân bón chuyên dùng siêu ra rễ (theo liều lượng khuyến cáo), tưới cách gốc cây 10 - 15 cm nhằm kích thích bộ rễ phát triển, hồi phục lại tốt hơn. Đồng thời sử dụng các loại phân bón lá phun lên thân lá để cây tăng sức đề kháng, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Bón phân cân đối là biện pháp chủ động phòng trừ sâu bệnh. Bón phân cân đối đặc biệt là kali, không nên bón đạm làm cây ra nhiều chồi non. Hạn chế bón phân hữu cơ, đặc biệt phân hữu cơ chưa hoai vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng.

  1. Phòng trừ bệnh hại

Mưa lớn kéo dài là điều kiện thuận lợi để nấm và vi khuẩn gây bệnh tấn công cây qua các vết xây xát, riêng cây sầu riêng còn nhỏ sẽ bị bùn lấp và gió lay sẽ bị lở cổ rễ. Vì vậy, sau khi mưa dứt, tranh thủ lúc thời tiết khô ráo, thân lá cây không còn đọng nước nên phun thuốc phòng bệnh cho cây sầu riêng, đặc biệt chú ý 2 loại nấm bệnh gây hại nặng là nấm Phytophthora palmivora và Fusarium oxysporum.Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Validacin, Topsin, Nativo, Aliette, Mancozeb, Ridomil Gold 68WG, Agri - Fos 400... phun lên thân lá và vùng rễ cây sầu riêng. Nên sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma tưới gốc theo liều lượng khuyến cáo, từ 1 - 2 lần cách nhau 5 ngày, nhằm giảm thiểu lượng cây bị chết rũ do bộ rễ bị thối hỏng, đồng thời kích thích rễ phát triển nhanh hơn, cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.


-> Xem thêm Những cách bảo vệ hoa và cây cảnh mùa rét


Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com