Nuôi tôm giữa muôn ngàn khó khăn - Càng nuôi càng lỗ!

13/05/2020
Nuôi tôm giữa muôn ngàn khó khăn - Càng nuôi càng lỗ!

Năm nay mặn đến sớm, cao và xâm nhập sâu hơn mọi năm. Tại một số vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thường độ mặn hàng năm chỉ dao động trong khoảng 5‰ – 15‰ thì hiện tại đã ở mức 10‰ đến trên 20‰. Với những diễn biến thời tiết gần đây, theo dự báo, độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là tại các khu vực ven biển. Việc độ mặn đến sớm và tăng cao cũng mang đến những nỗi lo sợ cả sự hy vọng cho những người nuôi tôm.

Đối với những vùng nuôi tôm thẻ thâm canh hoặc nuôi ứng dụng công nghệ cao, việc độ mặn tăng dưới 20‰ hầu như không hề hấn gì, thậm chí là tốt hơn so với độ mặn thấp. Tuy nhiên với một số hộ nuôi tôm với quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi vừa chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19, vừa chịu hạn mặn sâu. Đại dịch 2020 khiến nền kinh tế toàn cầu khó dự đoán trước, trong đó xuất khẩu thủy sản qua 2 tháng đầu năm vẫn giữ nhịp xuất khẩu đều, nhưng bước vào tháng 3 tình hình phát tín hiệu báo động. Đến nay tình huống ngày càng xấu hơn. 

Nghe thông tin thì khách hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc có yêu cầu lùi ngày giao hàng. Trong tháng 4, tháng 5 sắp tới tôm vào mùa nhưng diễn biến thị trường tôm hiện thời chưa nói lên điều gì khi Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc. Thực trạng hiện nay là tôm tươi đang giảm giá khá mạnh do hạn chế nhu cầu. Khiến bà con nuôi tôm giữa muôn ngàn khó khăn, càng nuôi càng lỗ!

Khó khăn trước hạn mặn

Càng nuôi càng lỗ

Gần một tháng nay, giá tôm giảm kỷ lục, thậm chí có nơi bán một kg tôm không mua được một kg thịt lợn. Đó là thực trạng đáng buồn với nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long!

Theo bà con nông dân, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay - chỉ hơn một tuần, giá tôm giảm 50%. Trước Tết Nguyên đán 2020, giá tôm sú loại 30 con/kg là 300.000 đồng/kg, nay thương lái mua với giá chỉ 130.000-150.000 đồng/kg. Đem so với cùng kỳ năm trước, giá tôm sú chỉ giảm từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Còn giá tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt loại 100 con/kg hiện nay chỉ từ 75.000-80.000 đồng/kg giảm gần 25.000 đồng/kg.

Trong khi giá tôm giống, giá vật tư thủy sản, giá nhân công tăng cao nhưng giá tôm lại giảm sâu khiến cho các hộ nuôi tôm lao đao. Anh Lê Thanh Tiện ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu đầu tư hơn 500 triệu đồng để nuôi 4 ao tôm. Do nắng nóng, độ mặn tăng cao nên 3 ao tôm nuôi chết, chỉ còn 1 ao, nhưng tôm lại rớt giá. Tính ra, vụ tôm nuôi này, anh Tiện lỗ hơn 300 triệu đồng.

Hộ ông Ngô Thành Cư ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cũng đang hoang mang vì giá tôm giảm mạnh như hiện nay. Ông Ngô Thành Cư cho biết: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm công nghiệp, mỗi ao khoảng 2.000m2. Hiện, tôm khoảng 110 con/kg. So với trước dịch bệnh COVID-19, kích cỡ tôm này đã có lãi. Nhưng với giá tôm như hiện nay, nếu thu hoạch sẽ lỗ nên tôi phải nuôi cho tôm về khoảng 30-40 con/kg mới dám thu hoạch. Mong lúc đó, giá tôm phục hồi như trước khi xảy ra dịch”.

Treo ao chờ… thời

Nhiều hộ nuôi tôm tại Cà Mau không dám thả nuôi vì giá tôm quá thấp, nguồn nước ô nhiễm, giá vật tư đầu vào quá cao. Nếu đầu tư vào thời điểm này sẽ không có lãi. Trước khó khăn này, nhiều người nuôi tôm ngay tại “thủ phủ tôm” chọn giải pháp chờ. Cũng như vậy, anh Trần Văn Hân ngụ ấp Thuận Hòa B, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau cho hay: “Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu nhờ con tôm. Nhưng tôi đang chưa dám thả vụ mới vì tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp và chờ khuyến cáo của các ngành chức năng”.


Bên cạnh giá tôm giảm mạnh, thời điểm này chuẩn bị bước vào vụ tôm chính nhưng do kênh mương bị bồi lắng, việc lấy nước nuôi tôm gặp khó khăn, vì vậy nhiều người nuôi tôm đành “treo” ao tiếp tục chờ đợi theo dõi tình hình.

Tại Bạc Liêu, ngay như các doanh nghiệp lớn, các hộ nuôi siêu thâm canh cũng bắt đầu chậm thả giống tiếp tục chờ.

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam - cho rằng: Để giúp bà con nuôi tôm vượt qua khó khăn như hiện nay, cần xem xét diễn biến cung - cầu và giá tôm ở thị trường xuất khẩu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Phát triển các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tôm thị trường nội địa. Tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tôm ở thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng để thúc đẩy tiêu thụ tôm. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tôm nuôi để phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu ngành tôm Việt Nam.

Bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, từ ngày 19/3 đến 31/3, đơn vị đã phát hiện thêm 79 ổ dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại được ghi nhận là 184,5 ha. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 166 dịch bệnh tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại 380 ha. Trong đó, đốm trắng là 287 ha, hoại tử gan tụy cấp tính 25 ha, sốc môi trường 67 ha.

Hiện nay, hạn hán và xâm nhập mặn đang ở giai đoạn đỉnh điểm, rất gay gắt, khả năng kéo dài. Cùng với việc một số vùng nuôi đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào buổi chiều hoặc tối, làm biến động đột ngột các yếu tố môi trường trong ao nuôi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của tôm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do biến động bất lợi của các yếu tố môi trường và dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.


Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 125.859 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, diện tích nuôi tôm là 114.599ha. Hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn,thách thức. Đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, áp thấp nhiệt đới, bão diễn ra với tần suất nhiều hơn và cường độ ảnh hưởng lớn hơn; môi trường nước bị ô nhiễm do việc xả thải trực tiếp từ các ao nuôi tôm; tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; chất lượng con giống, vật tư đầu vào khó kiểm soát triệt để; kết cấu hạ tầng nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng, đặc biệt là hệ thống điện; nguồn vốn để người dân đầu tư sản xuất còn hạn chế. Với những khó khăn này, mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; năng suất thu hoạch không đồng đều ở các địa phương; sản lượng tôm nuôi giữa các mô hình không có nhiều khác biệt.

Ông Nguyễn Bá Phụng xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình chia sẻ: “Khoảng 2 - 3 năm nay, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ nuôi tôm siêu thâm canh xả thải trực tiếp ra môi trường làm nguồn nước ô nhiễm; tôm nuôi liên tục bị dịch bệnh; giá tôm nguyên liệu biến động trong khi chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc thủy sản, giá điện…liên tục tăng. Giờ đây, bà con chỉ nuôi tôm cầm chừng chứ không ai tính chuyện làm ăn lớn”.

Tháo gỡ khó khăn trong nuôi tôm nước lợ

Trước những diễn biến trên, nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, Tổng cục Thuỷ sản đã có công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các Hội, Hiệp hội liên quan đến sản xuất tôm nước lợ và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung như sau:

Người nuôi và chính quyền địa phương trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin; tổ chức sản xuất, chế biến và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc.

Áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến.

Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.


Đối với diện tích chuẩn bị thả giống cần khuyến cáo người nuôi tiếp tục rải vụ, thả giống với mật độ thưa, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro, hạ giá thành nhằm chuẩn bị tốt nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong quý 2 năm 2020 và các tháng tiếp theo.

Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung để kịp thời khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.

Kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (bao gồm kiểm soát việc sử dụng ethoxyquin theo quy định của EU).

Triển khai nghiêm việc đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản ở địa phương, kịp thời thông tin tới doanh nghiệp và người nuôi tôm biết diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất thích ứng trước các biến động mới.

Phối hợp với các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, công an,… để quản lý chặt các khâu trong chuỗi sản xuất tôm. Kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, thông tin sai sự thật gây tâm lý hoang mang, thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng theo quy định của pháp luật.


Phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời đến các cơ quan liên quan để doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, tăng sản lượng thu mua, chế biến và tạm trữ tôm khi gặp những khó khăn trong xuất khẩu. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong nước để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tôm giống và thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể chia sẻ khó khăn cùng người nuôi nhằm ổn định sản xuất.

Cùng với những hỗ trợ từ ngành chức năng đó, cá nhân người nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường, để kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp nhằm hạn chế thiệt hại. Gia cố bờ bao, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu nước ra ngoài. Cần phải bố trí ao chứa, ao lắng để dự trữ nước nhằm chủ động trong việc thay nước bổ sung vào ao nuôi khi cần thiết.

Duy trì mực nước trong ao thích hợp với từng hình thức nuôi để hạn chế sự biến động đột ngột của các yếu tố môi trường, gây sốc cho tôm nuôi. Đối với ao nuôi thâm canh, bán phân canh phải duy trì nước trong ao tối thiểu từ 1,3 - 1,5 m, nuôi tôm – lúa, quảng canh cải tiến cần thiết phải duy trì mực nước cao tối thiểu là 0,5 m tính từ mặt ruộng. Từ những lưu ý riêng bản thân bà con và sự giúp đỡ của chính quyền, đã góp phần  vào công cuộc vượt qua thời kỳ khó khăn của ngành thủy sản!


Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com


Tôm