Những ảnh hưởng tiêu cực của ngành nuôi trồng thủy sản đến môi trường

06/10/2020
Những ảnh hưởng tiêu cực của ngành nuôi trồng thủy sản đến môi trường

Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều mặt tiêu cực, đó chính là vấn đề ô nhiễm môi trường. Sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản lại kéo theo nhiều tác nhân gây biến động động môi trường với quy mô ngày càng lớn và hết sức đa dạng. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đang là vấn đề cần được tập trung giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.

Môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. ĐBSCL là vùng tập trung nhiều các loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động . Khi bị đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kênh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình oxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng.

Các nguồn thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản gồm cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, có sự xuất hiện các thành phần độc hại đã cho thấy nguồn nước thải này cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông rạch.

Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản tôm cá, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn... là sản phẩm của quá trình phân hủy yếm khí ngập nước tạo thành, nguồn bùn phù sa lắng đọng trong các ao nuôi trồng thủy sản thải ra hàng năm trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi. Đặc biệt, với các mô hình nuôi kỹ thuật cao, mật độ nuôi lớn như nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp... thì nguồn thải càng lớn và tác động gây ô nhiễm môi trường càng cao.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy: Chỉ có 17% trọng lượng khô của thức ăn cung cấp cho ao nuôi được chuyển thành sinh khối, phần còn lại được thải ra môi trường dưới dạng phân và chất hữu cơ dư thừa thối rữa vào môi trường. Đối với các ao nuôi công nghiệp chất thải trong ao có thể chứa đến trên 45% nitrogen và 22% là các chất hữu cơ khác. Các loại chất thải chứa nitơ và phốtpho ở hàm lượng cao gây nên hiện tượng phú dưỡng môi trường nước phát sinh tảo độc trong môi trường nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nguồn chất thải này lan truyền rất nhanh đối với hệ thống nuôi cá bè trên sông, nuôi cá bao ví trong các đầm trũng ngập nước... cùng với lượng phù sa lan truyền có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh trong môi trường nước.

Hậu quả tôm nuôi chết hàng loạt ở vùng ven biển đã diễn ra nhiều năm, kéo theo nhiều hộ dân nuôi tôm, một số doanh nghiệp nuôi tôm quy mô lớn... đã phải lâm vào cảnh điêu đứng do nợ nần, phá sản. Cùng với tác động môi trường do chất thải trong sản xuất chế biến công nghiệp, nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư và đô thị... cũng góp phần tác động đến chất lượng môi trường nước ảnh hưởng đến cả kinh tế và môi trường sinh thái.

Môi trường nước sạch và vệ sinh chưa đảm bảo, chế độ vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế... đã tác động đến trực tiếp sức khỏe của người dân vùng ĐBSCL. Ở nhiều địa phương, người dân phải đang đối mặt với các bệnh đường tiêu hóa, bệnh sốt xuất huyết, sốt rét do muỗi lây truyền, bệnh giun sán ký sinh trùng, bệnh suy dinh dưỡng trẻ em và cả ngộ độc thực phẩm hay hóa chất... trong quá trình sản xuất canh tác ở các vùng đất ngập nước nuôi trồng thủy sản.

Một số giải pháp bảo vệ môi trường

Tập trung quan tâm đến bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản nước mặn ven biển, bảo vệ môi trường trong các trang trại vùng sản xuất nuôi trồng kinh tế hộ, bảo vệ môi trường nuôi thủy sản trên sông rạch,… nhằm giải quyết vấn đề cấp và thoát nước trong nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, việc quản lý và xử lý chất thải, xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản cũng cần được chú trọng. Các vật tư hóa chất, chế phẩm sinh học được sử dụng trong các mô hình canh tác ở các vùng kinh tế đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và hạn chế dịch bệnh nuôi trồng thủy sản lây nhiễm để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản.

Đối với mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt

Cần tập trung quản lý chất lượng nước ao nuôi thủy sản, phát triển các mô hình nuôi trồng gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản thích hợp như: xử lý chất thải bùn thải, xử lý khử trùng nước thải trước lúc thải ra,… đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Tập trung xử lý chất thải triệt để ở các mô hình nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp, nuôi cá bè trên sông rạch, quản lý chặt chẽ dịch hại tổng hợp trong nuôi trồng thủy sản.

Đối với mô hình nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ vùng ven biển

Cần tập trung giải quyết các vấn đề sau

- Khi đào đắp phát triển các vuông tôm cá mới ở các vùng đất phèn hoặc khi nạo vét bùn thải vuông, vệ sinh ao nuôi cần bố trí hồ thu hồi bùn, xử lý nước thải thủy sản và khử phèn nước thải trước lúc thải ra sông rạch bằng các giải pháp ủ khử trùng, trung hòa bằng vôi, hóa chất,… đáp ứng tiêu chuẩn môi trường đặt ra.

- Nước thải nuôi trồng thủy sản ở các mô hình nuôi công nghiệp, nuôi thâm canh, nuôi mật độ phải được bố trí diện tích hồ chứa để xử lý triệt để nguồn bệnh có thể lan truyền ra môi trường xung quanh.

- Nước cấp vào cần được xử lý đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt vùng nuôi tập trung cần có giải pháp quản lý cộng đồng đối với vấn đề ngăn chặn các hành vi thải chất thải, nước thải nhiễm bệnh trong các ao nuôi có dịch bệnh ra môi trường nước sông, rạch làm tổn thất cộng đồng người dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Những điều cần chú ý khi nuôi thủy sản

Chăm sóc cá phải đúng kỹ thuật, cho ăn phải đạt 4 yêu cầu: định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh.

Để nuôi thủy sản thành công, người nuôi cần nắm kỹ yêu cầu của quy trình kỹ thuật như vệ sinh ao đìa sạch sẽ trước mỗi vụ, dọn sạch cỏ xung quanh bờ; vét bùn đáy ao; lấp hết các lỗ mọi hang hốc xung quanh bờ; bón vôi để sát khuẩn, ổn định pH và diệt tạp.

Để chọn được loài cá nuôi thích hợp với điều kiện từng nông hộ cần phải xem xét vấn đề sau: Khả năng cung cấp thức ăn là tự có hay mua (rau xanh, thức ăn viên, phụ phẩm…).

Mục đích sử dụng nuôi để bán hay nuôi để ăn. Tùy từng vùng sinh thái khác nhau mà chọn loài cá nuôi cho phù hợp. Ví dụ vùng khó thay nước hay mô hình VAC có thể nuôi cá trê, cá tra…; vùng phèn có thể nuôi cá rô đồng, sặc rằn, trê…

Từ cơ sở đó mà nông hộ có thể chọn loài cá nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của mình để có thể tận dụng hết những tiềm năng sẵn có tại nông hộ.

+ Chất lượng con giống: Chọn giống tốt, không mang mầm bệnh, cá tương đối đều cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, xây xát, nên mua giống ở những nơi có uy tín…

Trước khi thả giống nên tắm cá giống qua nước muối loãng trong 5 - 10 phút và phải theo dõi cá trong quá trình tắm. Mục đích tắm nước muối để sát khuẩn cho cá.

+ Mật độ thả thích hợp: Nên thả đúng mật độ tùy theo từng loài cá. Nhóm cá không có cơ quan hô hấp phụ (rô phi, mè hoa, trắm cỏ, chép, mè vinh…) thả với mật độ dưới 5 con/m2; nhóm cá có cơ quan hô hấp phụ (tra, trê, tai tượng, rô đồng, sặc rằn…) thả với mật độ 5 - 15 con/m2.

Thả đúng mật độ để cá lớn nhanh lớn đều, ít bệnh, rút ngắn được thời gian nuôi, đạt cỡ lớn bán được giá cao không phải tốn tiền nhiều để mua con giống và thức ăn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

+ Nuôi ghép: Trong cùng một ao có thể nuôi ghép các loài cá với nhau để tận dụng không gian mặt nước và tất cả các loại thức ăn có trong ao vì mỗi một loài cá sống ở một tầng nước và có loại thức ăn riêng.

Khi nuôi ghép lưu ý 5 yêu cầu sau: Số loài cá thả ghép dưới 4 loài. Đối tượng nuôi chính trên 50% tổng các loại cá, còn lại là các đối tượng ghép. Các loại cá thả ghép phải tương đối đều cỡ nhau và thả cùng thời gian. Các loài cá ghép phải không cùng tính ăn và không gian sống (vì trong môi trường nước có 3 tầng là tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy).

Thời gian nuôi và giá cá thương phẩm các loài cá gần bằng nhau để dễ bán khi thu hoạch. Ví dụ: Tai tượng 80%, mùi hoặc chép 10%, sặc rằn 10%; cá tra 80%, rô phi 20%; sặc rằn 80%, rô đồng 20%.

+ Chăm sóc: Phải đúng kỹ thuật, cho ăn phải đạt 4 yêu cầu: định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. Nếu thức ăn là tấm cám nấu thì nên để vô sàng cho cá ăn để dễ quản lý được thức ăn.

+ Quản lý chất lượng nước ao nuôi: Ao phải thông thoáng, độ sâu ao nuôi cá thịt 1,2 - 2 m, độ sâu ao ương cá giống 0,5 - 1,2 m, pH ổn định từ 6,5 - 8,5 tức là nước ao nuôi cá có màu xanh vỏ đậu hoặc xanh lá chuối non là tốt, hàm lượng oxy hòa tan > 2 mg/l, nhiệt độ nước từ 25 - 30 độ C.

Đối với ao khó thay nước hoặc không thay nước được: Khi nuôi cá vào các tháng cuối gần thu hoạch, nước ao và nền đáy ao rất dơ do thức ăn dư thừa và phân cá thải ra nên cá có nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Có thể xử lý bằng cách dùng các chế phẩm sinh học (liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì).

+ Phòng bệnh cho cá lúc giao mùa: Vào mùa mưa nhất là giai đoạn chuyển mùa nắng sang mưa ao rất dễ bị xì phèn làm pH nước ao giảm thấp; pH thay đổi đột ngột như vậy làm cá bị sốc sẽ giảm sức đề kháng và mầm bệnh dễ dàng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể cá.

Nên phòng bằng cách, định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao rải vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và chất dơ bẩn từ trên bờ ao xuống. Đồng thời ngâm vôi vào nước để nguội lấy phần nước vôi tạt đều khắp ao, lượng 1 - 3 kg/100 m3 nước. Vôi có tác dụng ổn định pH nước và phòng bệnh cho cá.

Trong suốt quá trình nuôi nên phòng bệnh cho cá là tốt nhất vì khi cá bị bệnh việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao. Có thể định kỳ 1 tuần/2 lần trộn vitamin C vào thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

Lưu ý, vitamin C rất dễ tan trong nước nên khi trộn vào thức ăn phải dùng chất kết dính như dầu mực, bột gòn… để tăng hiệu quả sử dụng. Hoặc có thể sử dụng những cây thuốc nam sẵn có tại chỗ để phòng bệnh cho cá như lá giác, lá xoan… Trong suốt quá trình nuôi phải ghi chép sổ nhật ký đầy đủ.

Hy vọng với những ý kiến trên thì bà con nông dân có thể có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề vệ sinh môi trường trong việc nuôi thủy sản, nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường. Hãy cùng Trần Gia chung tay góp sức, dùng hành động và ý thức để bảo vệ môi trường sống mà chúng ta đang ở chính là bảo vệ chính mình.


-> Xem thêm Phòng nắng nóng cho ao nuôi cá


Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com