Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê

12/07/2019
Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê

Cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một trong việc phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng Tây Nguyên. Trong vòng 30 năm qua (tính từ năm 1981) diện tích trồng cà phê Tây Nguyên đã tăng đáng kể (từ 90 nghìn ha lên khoảng 566 ngàn ha). Với một thời gian khá dài, việc chuyên canh cây cà phê trên một phạm vi tập trung và rộng lớn, đã dẫn đến hiện tượng suy giảm về sức sản xuất của cây cà phê trong vùng. Vì vậy, Trần Gia đưa bài viết kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cụ thể hơn cho giúp bạn tăng lại năng suất, cải tiến đất trồng hiệu quả.

Cải tạo độ pH, phục hồi độ phì đất

Sau nhiều năm canh tác, đất trồng cà phê vùng Tây Nguyên có phản ứng chua (pH dao động chủ yếu từ 4-5, thậm chí có nơi pH=3). Cùng với đó là quá trình giảm mạnh về hàm lượng các cation kiềm trong đất do tác động của quá trình rửa trôi. Đất chua làm tăng quá trình cố định lân và giảm năng lực hấp thụ lân của cây. Đất chua làm tăng hàm lượng nhôm di động trong đất ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của rễ (đặc biệt đầu rễ tơ và rễ bên trở nên dày), lượng rễ tơ và rễ nhánh bị giảm trầm trọng làm cản trở sự hấp thu, vận chuyển và đồng hóa các chất dinh dưỡng của cây. Đất chua là môi trường thuận lợi cho một số vi sinh vật gây hại vùng rễ gây sưng rễ thối rễ làm giảm năng lực hấp thụ dinh dưỡng của bộ rễ. Đất chua làm giảm quá trình trao đổi cation trong đất, cản trở quá trình cung cấp dinh dưỡng cho cây, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất sử dụng phân bón của cây trồng. Do vậy, rất cần thiết phải cải tạo độ chua, phục hồi độ phì nhiêu đất bằng chất điều hòa.

Lượng dùng chất điều hòa pH đất (căn cứ vào trị số pH đất).

  • pH < 4 lượng dung từ 1,5 kg – 2,0 kg/gốc
  • pH từ 4 – 5 lượng dung từ 1,0  kg – 1,5 kg/gốc
  • pH từ 5 – 6 lượng dùng từ 0,7 kg – 1,0 kg/gốc

Cách bón và thời điểm bón:

Trước khi bón cần làm cỏ sạch và rải đều chất điều hòa pH đất quanh gốc (từ giữa tán ra ngoài mép tán), có thể rải trực tiếp lên mặt đất. Tuy nhiên, những vườn cà phê không tạo bồn cần xới nhẹ mặt đất trước khi rải để hạn chế sự rửa trôi nếu gặp mưa. Nên bón vào đầu mùa mưa hoặc gần cuối mùa mưa.

Lưu ý: Nên bón chất điều hòa pH đất kết hợp phân chuồng và các nguồn hữu cơ hoai mục. Không bón kết hợp phân hóa học có chứa đạm (đặc biệt phân ure). Chỉ bón phân hóa học có chứa đạm sau rải chất điều hòa pH đất từ 5 – 7 ngày.

Chăm sóc cà phê mùa khô

Cắt tỉa cành nhánh (nên tiến hành sau khi thu hoạch 15-25 ngày)

Việc cắt tỉa cành nhánh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cây nhanh hồi phục, tán cây thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quang hợp, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh, đồng thời chủ động được các cặp cành cơ bản và tạo ra hệ cành quả thứ cấp phân bố đều ở các tầng trong bộ tán. Hơn nữa việc cắt tỉa cành còn giúp tập trung được dinh dưỡng để nuôi cây.

Nguyên tắc là cắt tỉa các cành ở phía dưới gốc trước sau đó lần lượt lên phía trên ở những năm về sau. Tùy theo mức độ ra quả trên các đốt nhiều hay ít, độ lớn của cành và sự phát sinh của cành thứ cấp mà quyết định vị trí nơi cắt cành. Ví dụ, trên cành hầu hết các đốt đã cho quả, chỉ còn lại một vài đốt ở phía ngoài của đầu cành chưa ra quả mà trên cành đã phát sinh cành thứ cấp thì sau vụ thu hoạch cần cắt bỏ cành này (vị trí cắt ở phía ngoài nơi cành thứ cấp phát sinh, nên giữ lại một đoạn gốc của cành từ 15 - 20 cm)

Tưới nước

Với đặc tính của cây cà phê, vào cuối vụ thu hoạch cây đã có quá trình phân hóa mầm hoa và mầm hoa vẫn tiếp tục phát triển vào sau vụ thu hoạch. Nếu mầm hoa phát triển đã hoàn chỉnh (dạng mỏ sẻ) khi được tưới nước hay có lượng mưa trên dưới 15 mm thì sau 5 - 7 ngày hoa sẽ nở, thời gian có thể dài hơn nếu trước đó hoa chưa phát triển đầy đủ. Do vậy, việc tưới nước mùa khô vừa đảm bảo nước cho cây sinh trưởng, phát triển tốt vừa giúp điều khiển quá trình ra hoa đồng loạt, tập trung của cây (nên tưới được hai lần trong mùa khô). Tuy nhiên do đặc thù địa hình và rẫy cà phê thường có diện tích lớn nên tưới trong mùa khô thường đòi hỏi sự đầu tư khá cao, vì vậy nhiều diện tích không được tưới chủ động sẽ không cho năng suất cao.

- Tưới đợt 1: Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành, để cho cây cà phê phân hóa mầm hoa hoàn chỉnh (khi thấy mần hoa dạng mỏ sẻ, hay đầu nụ bạc trắng thì tiến hành tưới). Việc tưới đợt 1 rất quan trọng, giúp cây cà phê ra hoa đồng loạt.

- Tưới đợt 2: Nên cách đợt 1 từ 25-30 ngày, không nên tưới sớm hơn. Mục đích là để  tiếp tục ép những hoa non còn lại nở hết vào đợt 2, có như vậy mới không bị non hoa và ra hết hoa trong hai lần tưới nước và sau này vào mùa mưa sẽ giảm được hiện tượng rụng trái non, đồng thời giúp cho các năm sau hoa ra tập trung (không phân tán thành nhiều đợt). Đợt 2 nên tưới nhiều nước hơn (tưới đẫm) đảm bảo độ ẩm đất cao để cây dưỡng trái non.

Cung cấp dinh dưỡng, bón phân cho cà phê mùa khô

Bón phân cho cây cà phê một lần trong mùa khô, kết hợp với tưới nước đợt 1 hoặc 2 (bón phân đến đâu tưới đẫm nước đến đó). Việc bón phân thời điểm này rất quan trọng giúp cây cà phê có đầy đủ dinh dưỡng kích thích quá trình phân hóa mầm hoa mạnh hơn, không bị sượng hoa, ra hoa đậu quả tập trung và và nuôi trái non.

Loại phân bón: Sử dụng Dinh dưỡng cho mùa khô (gồm 13 yếu tố dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối và phù hợp với quá trình ra hoa, đậu quả và nuôi trái non).

Lượng bón: 400 – 500 g/gốc.

Chăm sóc cà phê mùa mưa

Đầu mùa mưa

Đầu mùa mưa cây cà phê tiếp tục phát triển cành nhánh, tuy nhiên có những cành tăm và cành mọc ngược vào thân cần phải được cắt tỉa tạo độ thông thoáng, hạn chế bệnh hại và tập trung dinh dưỡng nuôi quả, đồng thời phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Bón phân cho cây cà phê để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để cây phát triển cành nhánh mạnh, trái lớn đồng đều và không bị chèn trái, rụng trái non.

Loại phân bón: Sử dụng Dinh dưỡng cho mùa mưa (gồm 13 yếu tố dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê giai đoạn đầu mùa mưa).

Lượng bón: 400 – 500 g/gốc.

Giữa mùa mưa

Tiến hành phun thuốc trừ nấm để phòng chống thối cuống trái cà phê.

Bón phân cho cây cà phê để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho cây nuôi trái, chống rụng trái, cành nhánh phát triển đồng đều khỏe mạnh. đồng thời cũng là để tăng cường khả năng tích lũy dinh dưỡng cho cây.

Loại phân bón: Sử dụng Dinh dưỡng cho giữa và cuối mùa mưa (gồm 13 yếu tố dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của cây giai đoạn giữa và cuối mùa mưa).

Lượng bón: 500 – 600 g/gốc.

Cuối mùa mưa

Cắt tỉa cành tăm, cành mọc ngược, chồi thân và cắt bớt những cành xương cá yếu để tập trung dinh dưỡng cho cành mang trái.

Bón phân giúp tăng cường dinh dưỡng nuôi trái, trái chín đồng đều, đồng thời tích lũy thêm dinh dưỡng giúp cây thực hiện quá trình phân hóa mầm hoa được tốt và ổn định năng xuất 5-7 tấn nhân/ha. Đợt bón này nếu căn được thời gian trước khi thu hoạch 20-25 ngày là tốt nhất.

Loại phân bón: Sử dụng Dinh dưỡng cho giữa và cuối mùa mưa (gồm 13 yếu tố dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của cây giai đoạn giữa và cuối mùa mưa).

Lượng bón: 600 – 700 g/gốc.

Một số lưu ý

  • Bón phân cho cây cà phê tuân thủ nguyên tắc chung là rạch rãnh nông quanh mép tán và lấp đất sau khi bón.
  • Nên bón bổ sung phân hữu cơ (khuyến khích dùng các loại phân hữu cơ tự ủ từ lá và vỏ quả cà phê kết hợp bổ sung nhóm vi sinh vật đối kháng) và thực hiện tốt các biện pháp tử gốc, ép xanh cho cây.
  • Thường xuyên thăm vườn cà phê, phát hiện kịp thời tình hình sâu bệnh, đặc biệt bệnh tuyến trùng và nấm gây hại vùng rễ. Theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây và có biện pháp tác động kịp thời và phù hợp.

Hiện tượng rụng quả trên cây cà phê

Ngăn ngừa hiện tượng rụng quả trên cây cà phê bằng phân bón lá

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn trong phân bón lá có chứa nitro benzen tự nhiên và các protein thủy phân, hoạt hóa mạnh. Khi phun phân bón lá trên cây cà phê sẻ cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi quả, hạt, kích thích lá quang hợp mạnh và tổng hợp chất hữu cơ về nuôi quả và hạt. Ngoài ra phân bón lá còn kích thích rễ lấy dinh dưỡng ở trong đất để cung cấp cho cây và làm giảm chi phí về phân bón, giảm tỷ lệ rụng quả cà phê do thiếu chất dinh dưỡng

Sử dụng phân bón lá Boom flower-n

  • Nếu phun bằng bình phun tay sử dụng 1,3 – 1,5 lít/ ha mỗi lần pha cho 1 bình 16 lít
  • Nếu phun bằng máy pha từ 1,5 – 2 lít pha 600-800 lít nước phun cho 1ha

Khi phun phân bón lá trên cây cà phê giai đoạn phân hóa mầm hoa, nó sẻ kích thích hoa nở đồng loạt và tăng tỷ lệ đậu quả ngay từ lúc ban đầu. Tuy nhiên điều quan trọng là phân bón lá còn có thể kết hợp với nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phun cùng một lúc, đây là ưu điểm làm giảm được chi phí và ngày công khi phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê vào giai đoạn nuôi quả, bởi hiện tượng rụng quả trên cây cà phê không những do mất cân bằng về dinh dưỡng, mà còn một nguyên nhân khác đó là bệnh hại như bệnh thán thư, nấm hồng, gỉ sắt trên cây cà phê.

Để phòng trừ và giảm tỷ lệ rụng quả do các loại sâu bệnh hại gây ra cần phát hiện sớm và tiến hành ngăn chặn

  • Đối với bệnh thán thư thì tiến hành dùng thuốc trừ bệnh calvin 50SC
  • Gỉ sắt đốm lá dùng thuốc trừ bệnh Tilt super 300EC
  • Đối với bệnh nấm hồng thường xuất hiện trong mùa mưa thì sử dụng thuốc Bonanza 100 SL hoặc Validan 3DD hoặc 5DD

Lưu ý: đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng

Như vậy khi quả cà phê vối bắt đầu tăng nhanh về kích thước, cùng lúc đó có sự tăng nhanh về chồi và cành cà phê, do vậy cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và điều tiết ánh sáng cho phù hợp với tình trạng sinh lý của cây, để cây vừa nuôi quả tốt vừa tạo đầy đủ bộ khung cành khỏe mạnh cho năm tiếp theo. Vì vậy bên cạnh bổ sung nguồn dinh dưỡng hợp lý cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng để cây cà phê tiến hành quang hợp, tiếp nhận ánh sáng để phát triển tốt, đồng thời quả lý dịch bệnh hại tốt trên cây trồng. Khi cây cà phê khỏe mạnh thì cũng đồng nghĩa với việc đề kháng tốt với các loại bệnh hại cũng như với sự thay đổi thất thường của thời tiết cho năng xuất cao.


-> Xem thêm Lưới che nắng cho cây cà phê


Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com