Hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi da xanh - Phần 1

13/10/2020
Hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi da xanh - Phần 1

Trong các loại bưởi ngon và nổi tiếng hiện nay thì bưởi da xanh nổi tiếng hơn cả với hương vị thanh ngọt và màu sắc bắt mắt. Chỉ cần ăn một lần bạn sẽ bị loại quả này chinh phục muốn mua ngay về làm quà.

Theo như nghiên cứu thì đây là giống bưởi có nguồn gốc từ tỉnh Bến Tre. Từ lâu người dân nơi đây đã biết nhân giống và lưu giữ được giống quả ngon này khiến chúng được xếp vào hàng đặc sản nổi tiếng khắp cả nước.

I. Yêu cầu sinh thái


1. Nhiệt độ

Bưởi thuộc nhóm cây có múi có nguồn gốc nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển từ 23-29C, bưởi sẽ ngừng sinh trưởng khi nhiệt độ xuống dưới 13C và chết –5C. Nhiệt độ không những ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mà còn ảnh hưởng đến phẩm chất của trái. Do điều kiện tự nhiên vùng nhiệt đới, điều hạn chế của bưởi nói riêng và cây có múi nói chung ở miền Nam là màu sắc vỏ trái khi chín từ xanh đến vàng lợt.

2. Ánh sáng

Cường độ ánh sáng thích hợp là 10.000-15.000 lux (tương đương nắng sáng lúc 8 giờ hoặc nắng chiều lúc 16 giờ). Mùa hè cường độ ánh sáng lên đến 100.000lux, đều này dễ làm trái bưởi bị nám nắng, ảnh hưởng đến phẩm chất  và giá trị thương phẩm của trái bưởi. Vì vậy, Khi thành lập vườn trồng bưởi nên bố trí mật độ trồng và khoảng cách trồng hợp lý để hạn chế trái bị nám nắng.
 
3. Nước
 
Bưởi cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng rất sợ ngập úng, ẩm độ đất thích hợp nhất là 70- 80%. Lượng mưa cần khoảng 1000-2000mm/năm. Trong mùa nắng, cần phải tưới nước và lượng muối NaCl trong nước tưới không quá 3 g/lít nước.
 
4. Đất trồng
 
Đất phải có tầng canh tác dầy ít nhất là 0,6m và thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt,  pH nước từ 5,5 – 7, có hàm lượng hữu cơ cao > 3%, không bị nhiễm mặn, mực nước ngầm thấp dưới 0,8m.


II. Đặc tính giống bưởi da xanh




Tên khoa học: Citrus maxima (Burm.) Merr.

Tên tiếng Anh: Da xanh pummelo

Giống bưởi Da xanh có nguồn gốc từ cây trồng hạt, tại xã Thanh Tân – huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre tên gọi “Da xanh” của giống bưởi này xuất phát từ đặc tính của quả khi chín vẫn giữ màu xanh.

Cây sinh trưởng tốt trên đất phù sa ngọt, đủ nước tưới quanh năm, cây có khả năng cho quả 2,0-2,5 năm sau khi trồng trong điều kiện chăm sóc tốt, thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7,0-7,5 tháng, có khả năng cho thu hoạch quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8-11 hàng năm, năng suất khá cao (120-150 kg/cây/năm, cây 10 năm tuổi).

Lá non có màu xanh nhạt và chuyển dần sang xanh đậm khi lá già, mặt trên của lá có màu xanh đậm, cánh lá có hình tim ngược, mép lá có khía giống như tai bèo, phiến lá có dạng trứng ngược, phiến lá xếp chồng lên cánh lá rất đặc trưng cho giống.

Phát hoa mọc thành chùm ở nách lá, hoặc tận cùng trên cành, mỗi phát hoa có thể chỉ mang một hoặc một chùm hoa, đài hoa có màu xanh vàng, cánh hoa màu trắng và có hình lòng thuyền, khi nở hoa có mùi rất thơm. Nhị đực màu vàng chiều dài bằng hoặc dài hơn so với nhụy.

Tất cả các hoa đều có khả năng được thụ phấn để hình thành quả. Quả có trọng lượng trung bình 1,5 – 1,6kg, dạng quả hình cầu, đáy quả (phần tiếp giáp với cuống) hình cụt, khi chín vỏ quả vẫn giữ màu xanh nhưng đôi khi ngã sang màu xanh hơi vàng, tâm quả rỗng, các tuyến tinh dầu trên bề mặt vỏ quả chín phồng lên làm bề mặt vỏ nhám, trung quả bì có màu hồng, dày vỏ quả 13-16 mm, sau 2-3 năm trồng cây bắt đầu cho quả, tuy nhiên, vỏ quả thường dày và mỏng hơn khi cây cho quả ổn định.

Quả có 13 – 13 múi, thịt quả dòn (so với bưởi Năm roi), tróc khỏi vách múi tốt, tép màu hồng bó chặt, ráo nước, tỷ lệ thịt quả ≥ 60%, hương vị ngọt thanh (brix 10-12%), pH 4,15 – 4,30, không the, không đắng, ít đến không hạt trong trường hợp trồng chuyên canh.
 

III. Thiết kế vườn và kỹ  thuật trồng


1. Đào mương lên liếp

Với mục đính là nâng cao tầng canh tác, làm đất thông thoáng, thoát nước tốt trong mùa mưa, tránh ngâp úng cục bộ và dễ tạo khô hạn để xử lý ra hoa. Giữa 2 hàng bưởi cần có mương rộng 0,5m; sâu khoảng 0,3-0,4m. Giữa 2 mương là líp trồng cây. Mương này nối với mương chính ở cuối vườn để thoát nước tốt trong mùa mưa.

Trong điều kiện miền Nam, khi thành lập vườn cần chú ý hướng Đông – Tây để thiết kế líp trồng vuông gốc với hướng Đông, khi đó các cây trên vườn sẽ nhận được đầy đủ ánh sáng hơn.

2. Trồng cây chắn gió

Xây dựng hàng cây chắn gió là yêu cầu cấp thiết đối với việc thiết lập mới một vườn trồng cây có múi nói chung và cây bưởi nói riêng. Mục đích của việc trồng cây chắn gió để ngăn chặn sự di chuyển của sâu bệnh hại theo gió xâm nhập vào vườn; tạo tiểu khí hậu thích hợp trong vườn, đồng thời hạn chế các mức thiệt hại do gió bão gây hại. Hàng cây chắn gió (bình linh, dâm bụt, dừa nước,…) được trồng xung quanh vườn.

Các vườn ở miền Đông Nam Bộ thường có diện tích lớn thì nên chia thành từng lô (3-5ha) và chọn cây có độ cao hợp lý, chắc gỗ, khó đổ ngã để trồng quanh vườn và đường phân lô làm cây chắn gió. Có thể chọn cây tràm, cây tùng để làm cây chắn gió cho vườn bưởi. Cây chắn gió nên trồng trước khi trồng bưởi khoảng 1-3 năm.

3. Khoảng cách trồng

Tùy theo vùng đất trồng mà khoảng cách trồng thay đổi cho phù hợp. Khoảng cách trồng thích hợp ở ĐBSCL là 4 m x 5 m, 4 x 6 hoặc 5 x 6 m. Miền Đông nên trồng khoảng cách thưa hơn: 6 x 6 m; hoặc 7 x 7 m (đất xấu trồng dày, đất tốt trồng thưa). Trồng dầy có ưu điểm là trái bưởi ít bị nám nắng; tiết kiệm chi phí mua cây để chống cành, trái; năng suất thu hoạch những năm đầu cao. Tuy nhiên, do cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng, cây có khuynh hướng vươn cao gây khó khăn trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, thu hoạch và năng suất giảm ở các năm sau.

4. Chuẩn bị hố trồng và cách trồng

Trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 6-7 dương lịch. Sau khi phóng cọc, đào hố có kích thước 1m x 1m, sâu 0,7m.  Cho vào hố 10-20 kg phân hữu cơ hoai, 1 kg phân super lân, 0,5 kg vôi và 0,2kg phân NPK (16-16-8) hoặc DAP; trộn đều với đất mặt cho 2/3 hỗn hợp vào hố. Kế đến dùng dao cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa hố làm thế nào để mặt bầu cây nhô cao 10 cm so với mặt đất, sau đó cho toàn bộ hỗn hợp đất này vào xung quanh bầu cây ém nhẹ, kéo bao nilon từ từ  lên và lấp đất lại ngang mặt bầu, tưới nước. Chú ý không lấp đất đến vị trí mắt ghép.

Để xử lý côn trùng có thể gây hại bộ rễ non của cây bưởi, chúng ta nên dùng thuốc Regent hoặc Basudin 10H liều lượng theo khuyến cáo rải xung quanh gốc bưởi hoặc trộn đều với đất rồi cho vào gốc bưởi. Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh gãy nhánh. Sau trồng cần cắm cọc giữ chặt cây con. Đối với cây chiết nên đặt cây nằm nghiêng một góc khoảng 45 để cây dễ phát triển cành mới.


 

IV. Kỹ thuật chăm sóc


1. Tủ gốc giữ ẩm

Tủ gốc để giữ ẩm trong mùa hè bằng rơm rạ khô và cách gốc khoảng 20 cm. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển đồng thời khi rơm rạ bị phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể.

Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng hoa màu để tránh đất bị xói mòn, tăng thu nhập. Khi cây vào thời kỳ kinh doanh thì xu hướng hiện nay ở các nước tiến tiến là giữ cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm cho đất trong mùa hè và chống xói mòn đất trong mùa mưa. Tuy nhiên, khi cỏ phát triển mạnh sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây có múi, vì vậy phải  cắt bỏ bớt bằng dao hoặc máy cắt cỏ.

2. Tưới và tiêu nước

Bưởi là loại cây trồng cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn trái phát triển. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho bưởi, đảm bảo chu kỳ tưới 3 lần/ tuần trong thời gian mùa khô. Lượng nước tưới 120-150 lít/ cây/ lần. Trước khi ra hoa, cây cần thời gian khô hạn khoảng 30 ngày để thuần thục phân hóa mầm hoa.

Khi mưa nhiều gây ngập úng thì cần phá bờ bồn để thoát nước cho cây, tránh để đọng nước trong gốc cây, nếu kéo dài cây có thể chết.

3. Tỉa cành và tạo tán

 Tạo tán: là việc làm cần thiết ngay trong thời kỳ xây dựng cơ bản ( từ năm thứ 1 đến năm thứ 3) với mục đích:

– Nhằm tạo lập một hình thái cây trồng có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, đồng thời khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát để thuận lợi trong việc quản lý vườn ở hai giai đoạn: kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh.

– Hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc nhằm tránh đỗ ngã, gãy nhánh từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp cho cây. Các bước như sau:

– Từ vị trí mắt ghép (trên gốc ghép) trở lên khoảng 50-80 cm thì bấm bỏ phần ngọn, mục đích để các mầm ngủ và cành bên phát triển.

– Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35-40.

– Sau khi cành cấp 1 phát triển dài khoảng 50-80 cm thì cắt đọt để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2 và chỉ giữ lại 2-3 cành.

– Cành cấp 2 này cách cành cấp 2 khác khoảng 15 – 20cm và tạo với cành cấp 1 một góc 30- 35. Sau đó cũng tiến hành cắt đọt cành cấp 2 như cách làm ở cành cấp 1. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3.

– Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm  cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.

Tỉa cành:

Một trong những đặc điểm của cây có múi so với những loại cây ăn trái khác là không có sự khác nhau giữa mầm chồi và mầm trái. Không có sự biến chuyển của chồi trong nhiều năm mà mỗi chồi có thể phát triển trong một năm để tạo mầm hoa và sẽ mang một hay nhiều trái ở cuối cành.

Ba mục tiêu chính của việc cắt tỉa cành đối với cây có múi là:

– Tạo cho cây có bộ khung khoẻ mạnh.

– Lập những cành mang trái, trẻ , dồi dào sinh lực và phân bố giống nhau trên khung(sườn) và cành mẹ(cành chính).

– Thay thế những cành già, lọai bỏ cành sâu bệnh, chết, cành vô hiệu…không có khả năng sản xuất bằng những cành non trẻ sẽ mang trái trong những năm tiếp theo.

Công việc tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành sau đây:

– Cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10- 15 cm).

– Cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả.

– Cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.

Để tránh mầm bệnh (tiềm ẩn virus, vivoid…) lây lan sang cây khác, cần phải khử trùng dụng cụ bằng cồn 90 hoặc hơ lửa. Đối với những cành lớn hơn 3cm thì phải dùng cưa. Những vết thương lớn sau khi cắt tỉa cần phải dùng sơn hoặc các thuốc trừ bệnh quét kín vết cắt nhằm tránh vết thương bị thối tạo điều kiện thích hợp cho côn trùng và mầm bệnh tấn công.





Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com