Quy trình kỹ thuật trồng cây hồ tiêu

06/10/2020
Quy trình kỹ thuật trồng cây hồ tiêu

Cây hồ tiêu (Piper nigrum L): Là loại cây gia vị yêu thích và cổ xưa nhất so với các loại cây gia vị khác, có nguồn gốc từ tán rừng nhiệt đới vùng Tây Ghats tại Ấn Độ. Thuộc loại cây thân thảo, có thể mọc thành bụi hoặc leo bám. Ở nước ta hồ tiêu được trồng nhiều từ những năm cuối của thế kỷ 20 và là cây có giá trị kinh tế cao do vậy diện tích gieo trồng được tăng nhanh qua các năm. Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước đã đạt trên 79.000 ha, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên (51,6%), các tỉnh Đông Nam bộ (39,6%) và một phần ít còn lại là các tình thành khác, (Lê Ngọc Báu, 2015). Năng suất hồ tiêu bình quân của cả nước đạt 2,16 tấn tiêu khô/ha (xếp vào loại cao nhất thế giới), chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần xuất khẩu trên thế giới.

Cây hồ tiêu

Là loại cây có nguồn gốc vùng nhiệt đới do vậy khí hậu, thời tiết nước ta là điều kiện thuận lợi cho cây tiêu phát triển. Mặc dù cây tiêu có khả năng chịu được nhiệt độ thấp (>10°C) và nhiệt độ cao (<40°C), nhưng khoảng nhiệt độ thích hợp nhất là từ 20-32°C, cây tiêu ưa ánh sáng tán xạ và thích môi trường lặng gió. Ngoài điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng thì cây tiêu cũng cần đòi hỏi các điều kiện ngoại cảnh khác như: Ẩm độ tương đối trên 70%, nhiệt độ đất tầng canh tác khoảng 25-28°C, lượng mưa cao, phân bố đều trong mùa mưa (1.500 – 2.500mm) và phải có mùa khô rõ rệt để thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa. Những vùng thỏa mãn các điều kiện đã nêu đều có thể trồng tiêu tốt.

Là một trong các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao, đặc biệt trên địa bàn khu vực các tỉnh Tây Nguyên, điều này đã góp phần làm tăng nhanh diện tích trồng tiêu trên cả nước. Tuy nhiên, việc tăng nhanh diện tích đã tiềm ẩn những rủi ro và biểu hiện thực tế đó là tình trạng vườn cây ít ổn định, dễ bùng phát các hiện tượng sâu bệnh nguy hiểm như: rụng đọt, đốt ngắn và xoăn lại, tuyến trùng, thối rễ, đen rễ, rễ chậm phát triển, chu kì kinh doanh ngắn, tình trạng ít đồng đều giữa các cây trong vườn và năng suất không ổn định giữa các năm mà nguyên nhân có thể nói là xuất phát từ phân bón và việc bón phân gây nên.

Sau nhiều năm trồng trọt canh tác, bón phân đã làm cho pH của đất giảm mạnh. Quá trình chua hóa đã làm mất cân bằng và giảm đi sự đa dạng dinh dưỡng khoáng cho cây, đồng thời làm giảm hiệu suất sử dụng phân bón và tăng khả năng hòa tan của một số yếu tố gây độc ảnh hưởng tới cây trồng. Không chỉ vậy, quá trình chua hóa còn tạo môi trường thuận lợi làm gia tăng số lượng và mật độ vi sinh vật gây hại vùng rễ, gây thiệt hại năng suất, chất lượng nông sản và tính bền vững trong canh tác.

Từ những thực tiễn trên, để góp phần đảm bảo canh tác bền vững hồ tiêu, các chuyên gia khuyến cáo giải pháp dinh dưỡng bền vững cho cây hồ tiêu gồm: Chất điều hòa pH đất; Dinh dưỡng Tiêu 1; Dinh dưỡng Tiêu 2 giúp cải tạo pH và phục hồi độ phì nhiêu đất, cung cấp cân đối, đầy đủ và đa dạng dinh dưỡng theo nhu cầu của cây, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hô hấp và dinh dưỡng khoáng cho cây.

Chăm sóc và bón phân cho cây hồ tiêu


Chăm sóc cho cây hồ tiêu kiến thiết cơ bản

Chăm sóc Tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản là tiền đề để tạo cơ sở thâm canh, kéo dài chu kỳ kinh doanh và đảm bảo canh tác bền vững.

Đất trồng hồ tiêu | Vien Khoa Hoc Ky Thuat Nong Nghiep Mien Nam

– Chọn đất trồng tiêu

Cây tiêu có thể trồng trên nhiều loại đất như: đất đỏ bazan, đất phiến thạch, đất cát pha, đất xám bạc màu, đất phù sa cổ, … nhưng điều quan trọng là đất phải có khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng khi mưa và có mực nước ngầm sâu > 1m. Hàm lượng mùn đất yêu cầu cao, đất phải tơi xốp, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, đất trung tính (pH từ 6,0-6,5). Do vậy, phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ và chất điều hòa pH đất cần thiết phải được sử dụng đều đặn trong chu kỳ canh tác.

– Làm đất, đào hố và thiết kế lô trồng

– Làm đất: Đất cần được cày bừa kỹ và xử lý mầm bệnh trước khi trồng, với đất chua trước khi bừa lần cuối cần thiết phải khử chua cho đất bằng chất điều hòa pH đất, lượng dùng 1,5-2,0 tấn/ha. Khi trồng mới trên vườn tiêu cũ, cần cày bừa, dọn sạch rễ cây và tàn dư thực vật trong đất, sau đó luân canh với cây họ đậu hoặc các cây ngắn ngày khác ít nhất 1-2 năm trước khi trồng mới.

– Đào hố: Tùy thuộc cách trồng mà kích thước hố đào khác nhau. Nếu trồng đơn kích thước hố đào 30x40x40cm và nếu trồng đôi kích thước hố đào 40x60x40cm, khoảng cách giữa các hố từ 2,0-2,5m x 2,5m (tương ứng mật độ từ 1600-2000 trụ/ha).

Mỗi hố bón 7-10kg phân chuồng hoai mục kết hợp 0,4-0,6 kg phân bón Tiêu 1 + 0,3-0,5 kg phân lân PA (lân trung tính), trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố khoảng 20cm. Nên tiến hành đào hố và trộn phân lấp hố trước khi trồng 20-30 ngày. Vườn tiêu trên vùng đất có độ dốc nên đào hố theo đường đồng mức và bố trí hố theo hình nanh sấu.

– Xử lý đất trong hố trước trồng: Sử dụng một trong các loại thuốc như Confidor 100 SL 0,1% pha theo hướng dẫn (tưới 0,5 lít/hố), hoặc Basudin 10H  (rải 20 – 30g/ hố) xử lý trước khi trồng 3-5 ngày để phòng ngừa dịch hại.

– Thiết kế lô trồng: Khoảng 10-15m giữa hai hàng trụ tiêu đào một rãnh thoát nước vuông góc với hướng dốc chính, rãnh sâu 15-20cm, rộng 20cm. Dọc theo hướng dốc chính giữa hai hàng trụ tiêu, khoảng 30-40m đào một mương sâu 30-40cm, rộng 40cm, mương vuông góc với rãnh thoát nước. Việc tiến hành thiết kế hệ thống tiêu nước nên tiến hành cùng lúc trồng trụ tiêu.

– Đặt hom, trồng dặm

– Đặt hom tiêu: Khi đặt hom tiêu vào hố cần chú ý xé bỏ bầu PE, tránh làm vỡ bầu, đặt hom vào hố trồng, sau đó lấp đất và lèn chặt gốc, hom đặt nghiêng 30-45° hướng về phía trụ tiêu.

– Trồng dặm và buộc dây: Sau khi trồng 7-10 ngày, thường xuyên kiểm tra vườn trồng, khi phát hiện có cây chết cần tiến hành trồng dặm ngay (các cây trồng dặm cần được chăm sóc kỹ). Khi dây tiêu phát triển vươn tới trụ nên dùng các loại dây mềm (dây nylon) để buộc dây tiêu vào cây trụ, buộc vào vị trí ở gần đốt của dây tiêu để rễ cây dễ dàng bám vào trụ, sau khi rễ đã bám chặt vào trụ cần cắt bỏ dây buộc.

– Cắt tỉa tạo hình và đôn tiêu

+ Đối với tiêu trồng bằng dây thân

Sau 1 năm trồng, cắt tạo hình cho tiêu bằng cách cắt ngang toàn bộ dây thân trên trụ, cách gốc tiêu 40 – 50 cm. Cắt tạo hình với mục đích vừa lấy hom nhân giống vừa tạo khung thân dây tiêu trên trụ. Cắt dây tiêu vào các ngày khô ráo, không cắt trong thời gian mưa dầm để hạn chế các loại bệnh hại tiêu. Từ chỗ cắt các dây thân chính sẽ mọc lên, giữ lại các dây thân khoẻ mạnh phân bố đều xung quanh trụ làm bộ khung chính, cắt bỏ các mầm dây thân còn lại. Số lượng dây thân để làm bộ khung chính phụ thuộc vào kích thước trụ.

     – Trụ sống : 9 – 12 dây thân/trụ

     – Trụ gỗ hay trụ bê tông : 8 – 10 dây thân/trụ

     – Trụ xây gạch: 20 – 30 dây/trụ gạch.

Khi dây tiêu leo lên hết chiều cao trụ thì hãm ngọn và xén tỉa định kỳ. Nếu không có nhu cầu lấy hom nhân giống thì khi các dây thân ở độ cao 80 – 100cm và có 5 – 6 cành quả/1 dây thân, tiến hành bấm ngọn lần đầu để kích thích sự phát triển thêm dây thân. Bấm ngọn bằng cách cắt bỏ phần ngọn tiêu mang 1 – 2 cành quả. Sau khi bấm ngọn lần đầu nếu trên trụ tiêu vẫn chưa có đủ số dây thân cần thiết của mỗi trụ thì sau khi dây thân mới có từ 3 – 5 cành quả thì tiếp tục bấm ngọn lần thứ hai.

+ Đối với tiêu trồng bằng dây lươn

Tiêu trồng bằng dây lươn cây sẽ cho nhiều dây thân, cắt bỏ các dây yếu, chỉ để lại 3-4 dây khoẻ trên một gốc dây lươn. Sau 10-12 tháng trồng, các dây tiêu đạt kích thước 1,4-1,8m và bắt đầu suất hiện cành mang quả, khi phần lớn các dây trên trụ có cành mang quả cần tiến hành đôn tiêu.

Xới đất quanh trụ tiêu thành rãnh sâu 10-15cm, cách trụ 15-20cm, chọn 3-4 dây tiêu khoẻ, cắt hết những lá phía dưới cành mang quả đầu tiên trừ lại khoảng 30-40cm tính từ cành mang quả xuống, khoanh tròn trong rãnh phần thân đã cắt bỏ lá, lấp một lớp đất mỏng 7-10cm, buộc cành áp vào trụ tiêu và tưới nước, khi thấy rễ nhú ra từ các đốt đôn dưới đất cần lấp thêm đất, vun gốc và bón phân cho tiêu.

Sử dụng Dinh dưỡng khoáng hữu cơ chức năng (Organic Tiêu 1) bón 0,2-0,3 kg/trụ/lần (bón 4 lần mỗi năm)

Chăm sóc cho cây hồ tiêu kinh doanh

Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Hồ Tiêu
a. Xén tỉa cho tiêu kinh doanh
+ Tỉa bỏ tất cả các dây thân, dây lươn, cành ác mọc phía dưới gốc tiêu cách mặt đất 10 – 15cm.

+ Tỉa bỏ các dây thân mọc ngoài bộ tán tiêu, các dây thân mọc quá dài ở đỉnh trụ.

b. Bón phân cho cây hồ tiêu
Bón phân là việc làm bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt mà đất không cung cấp đủ cho nhu cầu của cây. Do vậy, để bón phân hiệu quả cần xác định được khả năng cung cấp của đất và phải biết yêu cầu của cây ở mỗi giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau.

Bình quân với năng suất 2 tấn hạt/ha, hàng năm cây tiêu lấy đi từ đất khoảng 70kg đạm (N); 16kg Lân (P2O5); 42kg Kali (K2O); 18kg Magiê (MgO); 67kg Canxi (CaO) cùng các yếu tố trung vi lượng khác như Si; B; Zn; Cu; Mn; Mo… Với nhu cầu dinh dưỡng như vậy, việc bón phân cần phải cung cấp được đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất cho cây ở mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển, phải đảm bảo trả lại đúng cho đất những gì mà cây trồng lấy đi theo sản phẩm và phần dinh dưỡng giúp cây tích lũy để phát triển sinh khối hàng năm nhằm phát huy tối đa hiệu quả của phân bón.

– Phân hữu cơ

Cây tiêu rất cần phân hữu cơ nhất là khi trồng mới. Khác với nhiều loại cây lâu năm khác, vườn tiêu cần được bón phân hữu cơ hàng năm (lượng bón 10-20 kg/trụ). Phân hữu cơ không những cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn có tác dụng làm đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm giữ phân của đất, làm cho đất thông thoáng, cung cấp nguồn năng lượng cho vi sinh vật hoạt động, tăng tính đệm cho đất, giảm thiểu tác hại do biến động về thời tiết, hạn hán và bón phân không cân đối gây ra. Các loại phân hữu cơ cần được ủ cùng Chất điều hòa pH đất và các chủng vi sinh hữu ích cho hoai mục mới nên bón cho hồ tiêu.

– Dinh dưỡng khoáng hữu cơ chức năng (Organic Tiêu 1)

Organic Tiêu 1  là loại dinh dưỡng chuyên dùng cho cây hồ tiêu đảm bảo cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng đa, trung và vi lượng thiết yếu giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt giai đoạn hồi phục cây, phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu quả. Đặc biệt, các nguồn hữu cơ có chức năng kiểm soát sinh lý cây trồng và hoạt động vi sinh vật đất nhờ vậy có thể kiểm soát tốt cây trồng giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng, biểu hiện ở tính năng ra rễ cực mạnh, phục hồi rễ hư, cành lá xanh tốt, mầm hoa nhiều.

Lượng bón và thời điểm bón

+ Bón lần 1: Sau khi thu hoạch 1-2 tháng, khi lượng mưa đủ ẩm đất sử dụng Dinh dưỡng chức năng Tiêu 1 bón từ 0,4-0,5 kg/trụ giúp tăng khả năng hồi phục cây sau thu hoạch và thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa.

+ Bón lần 2: Sau bón lần 1 từ 40-50 ngày (khoảng T6-T7) tiếp tục sử dụng Dinh dưỡng chức năng Tiêu 1 bón với lượng 0,5 kg/trụ đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây giúp cây phát triển mạnh ra hoa tập trung, dài hoa và hạn chế số lượng mầm ngủ ngày.

– Dinh dưỡng chức năng (NPKSi-Tiêu 2)

Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 là loại dinh dưỡng chuyên dùng cho cây hồ tiêu, được sản xuất từ các dạng nguyên liệu chức năng thích hợp và cân đối dinh dưỡng cho hồ tiêu phát triển bền vững. Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 giúp cành lá phát triển cân đối, đồng đều, hiệu suất quang hợp cao; Tăng tỷ lệ đậu trái, hạn chế rụng trái; Trái lớn nhanh, lớn đồng đều, chín tập trung, chắc nhân và chống hiện tượng răng cưa; Tăng khả năng chống chịu điều kiện bất thuận và giúp năng suất ổn định qua nhiều năm.

+ Bón lần 3: Sau khi bón phân lần 2 từ 30-45 ngày (khoảng T8-T9) hoa đã trỗ đều và bắt đầu làm hạt sử dụng loại Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 bón từ 0,2-0,3/trụ nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây, giúp cây phát triển khỏe mạnh, trái lớn đồng đều và giảm mạnh tiêu răng cưa.

+ Bón lần 4: Sau khi bón đợt 3 từ 35-50 ngày (khoảng T10-T11), để có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp cây phát triển cành nhánh mạnh cho năm sau và chống chịu nắng hạn giúp trái chín đồng đều đạt trọng lượng hạt tiến hành bón phân đợt 4, sử dụng loại Dinh dưỡng chức năng Tiêu 2 với lượng bón 0,2-0,3 kg/trụ.

Như vậy, theo quy trình bón mỗi năm ngoài việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trung lượng, vi lượng cần thiết và cân đối cho cây hồ tiêu, thì lượng dinh dưỡng đạm (N), lân (P2O5), kali (K2O) cung cấp cho mỗi trụ đạt: đạm (N = 110-150g), lân (P2O5= 90-110g), kali (K2O = 120-160g) đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây để đạt năng suất hạt 4-6 kg/trụ.

Ngoài phân bón gốc, việc bổ sung phân bón lá cũng rất cần thiết để hồ tiêu đậu nhiều trái, năng suất cao. Mỗi năm phun phân bón lá cho tiêu 2 – 3 lần, phun trong mùa mưa, chọn ngày mát trời không nắng gắt. Khi phun chú ý dùng đúng liều lượng được ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Nếu liều lượng quá cao sẽ có hiện tượng cháy lá, rụng quả, rụng gié. Nên dùng các loại phân có chứa vi lượng Zn, Bo để làm tăng tỷ lệ đậu quả, giảm rụng chùm quả (gié).


-> Xem thêm Lưới mùng, lưới che tiêu, lưới chắn côn trùng


Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com