Phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch

10/09/2019
Phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch

Với nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng hiện nay thì người tiêu dùng không chỉ còn yêu cầu về độ tươi xanh hay giá thành, sự trộn lẫn và sử dụng các hoá chất trong nông nghiệp đã khiến người dùng chuyển sang ưu tiên dùng thực phẩm sạch. Người tiêu dùng thường xuyên nghe đến cụm “thực phẩm sạch", “thực phẩm hữu cơ” nhưng ít người lại thực sự biết được thực phẩm sạch và thực phẩm hữu cơ thực chất khác nhau. Trong bài viết dưới đây, Trần Gia sẽ hướng dẫn bạn cách phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch một cách rõ ràng giúp bạn dùng đúng mục đích của thực phẩm hơn.

Thực phẩm hữu cơ (thực phẩm Organic)

“Hữu cơ" dùng để chỉ quá trình sản xuất một số loại nhất định, được nuôi hoặc trồng với những điều kiện như không sử dụng hoá chất nhân tạo (thuốc trừ sâu, phân bón hoá học, chất bảo quản,...), không sử dụng hormone tăng trưởng và kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen.

Sinh vật biến đổi gen là các cây trồng hoặc vật nuôi được lai tạo, nhân giống nhằm nâng cao khả năng tăng trưởng, kháng các loại bệnh hoặc tăng hàm lượng dưỡng chất trong cây/ vật nuôi,... được tạo ra nhờ công nghệ sinh học. Ví dụ như các loại hoa lai, các giống lai trồng cây ăn trái hay lai giống vật nuôi cho ra đời con khoẻ hơn.

Một số thực phẩm chế biến sẵn yêu cầu không có phụ gia thực phẩm nhân tạo như chất bảo quản, chất tạo màu, chất làm ngọt nhân tạo, hương liệu hay bột ngọt (MSG hay còn gọi là mì chính).

Như vậy, có thể thấy, khái niệm hữu cơ (Organic) không cao siêu như mọi người hay nghĩ, đơn giản nó là sản phẩm được sản xuất thông qua các các biện pháp canh tác chỉ sử dụng các chất tự nhiên, nghĩa là tránh tất cả các hoá chất nhân tạo, chất kích thích, kháng sinh hay sinh vật biến đổi gen (GMO).

Đặt trường hợp thực phẩm thông thường sử dụng hoá chất ở ngưỡng quy định, an toàn thì thực phẩm hữu cơ có những ưu điểm vượt trội như:

  • Thực phẩm hữu cơ bổ dưỡng hơn. Có nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng dinh dưỡng trong một số loại thực phẩm hữu cơ cao hơn các thực phẩm thông thường. Tuy nhiên thì đây không phải là tất cả, trước khi sử dụng bất kỳ một loại thực phẩm nào ta cũng đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc.
  • Mức độ nitrat trong thực phẩm hữu cơ thấp hơn các thực phẩm thông thường đến 30%, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và có ảnh hưởng tốt đến khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể trẻ em.
  • Sữa, thịt hữu cơ chứa axid béo có lợi omega - 3 cao hơn, lượng sắt, vitamin E và một số carotenoids cao hơn tốt cho sức khoẻ, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
  • Nông trại hữu cơ còn là mô hình nhằm cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học vì được thiết kế nhằm tối ưu hoá năng suất hệ sinh thái nông nghiệp (cải thiện nguồn đất, bảo vệ nguồn nước). Là mô hình nông trại lý tưởng khi tất cả các yếu tố sinh vật, thực vật, vật nuôi kể cả con người được hình thành và phát triển trong điều kiện và quy luật hoàn toàn tự nhiên.

Vậy làm thế nào để chắc chắn đó là thực phẩm hữu cơ (Organic)?

Chuẩn thực phẩm hữu cơ phổ biến nhất hiện nay là USDA (chứng nhận hữu cơ của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ). Nếu bạn muốn đó có phải là thực phẩm của USDA hay không hãy kiếm con dấu của tổ chức này.

Ngoài ra hãy theo dõi các tuyên bố sau trên nhãn thực phẩm của chuẩn USDA gồm:

100% hữu cơ: Sản phẩm được làm hoàn toàn từ các thành phần hữu cơ

Hữu cơ: Sản phẩm chứa ít nhất 95% thành phần là hữu cơ

Được làm bằng hữu cơ: Ít nhất 70% thành phần là hữu cơ.

Mỗi chuẩn hữu cơ sẽ có những quy định riêng, chính vì thế muốn biết thực phẩm bạn cầm trên tay có phải là thực phẩm hữu cơ hay không, bạn cần tìm hiểu kỹ về các quy định đó.

Bằng không, lựa chọn một đơn vị kinh doanh, phân phối thực phẩm hữu cơ uy tín cũng là một trong những cách không tồi.

Thực phẩm sạch

Thực phẩm sạch là thực phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe, sạch từ quá trình sản xuất, nuôi trồng cho đến khâu bảo quản cũng như vận chuyển và phân phối. Có hai khía cạnh để có thể hiểu về thực phẩm sạch là phụ thuộc quá trình sản xuất nuôi trồng và phụ thuộc quá trình bảo quản vận chuyển.

Phụ thuộc quá trình sản xuất nuôi trồng

Hiểu theo nghĩa đơn giản thực phẩm sạch là thực phẩm không chứa chất bẩn, an toàn, tốt cho sức khỏe chúng ta, cụ thể như là:

Không chứa tồn dư thuốc BVTV, hóa chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép.

Không chứa tạp chất (kim loại, thủy tinh, vật cứng …).

Không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng).

Có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng.

Được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về ATTP.

Như vậy, thực phẩm sạch chính là những loại thực phẩm được chứng nhận ATVSTP, không chứa dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, không chứa kim loại nặng, các loại virus, vi khuẩn gây bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Phụ thuộc quá trình bảo quản, vận chuyển

Thực phẩm sạch không chỉ phải đảm bảo quá trình sản xuất, nuôi trồng mà khâu bảo quản và vận chuyển cũng không kém phần quan trọng. Vì nếu trong chuỗi sản xuất và phân phối thực phẩm có một giai đoạn bị nhiễm bẩn thì thực phẩm đó cũng không thể coi là thực phẩm sạch an toàn.

Ví dụ thực phẩm không thể gọi là “SẠCH” mặc dù được vận chuyển trong xe lạnh, nhân công sơ chế mặc đồ bảo hộ đảm bảo vệ sinh nhưng lại sản xuất tại vùng đất bị nhiễm khuẩn hoặc quá trình sản xuất đảm bảo đạt chuẩn nhưng lại vận chuyển trong xe bị nhiễm bẩn và người đóng gói bị mắc bệnh truyền nhiễm! Vì vậy thực phẩm sạch đúng nghĩa phải đảm bảo sạch toàn bộ chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu phân phối!

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng để có được thực phẩm sạch không quá khó khăn cũng không phải là điều dễ dàng, muốn sản xuất ra thực phẩm sạch người trồng trọt chăn nuôi phải có quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng sạch như VietGAP, GlobalGAP, Organic… còn người sản xuất các sản phẩm thực phẩm công nghiệp tại nhà máy thì chọn những nguyên liệu sạch, sản xuất theo quy trình sạch như thế mới tạo ra sản phẩm sạch.

Khi lựa chọn thực phẩm dù là thực phẩm tươi sống hay thực phẩm đã đóng gói sẵn, việc đầu tiên cần quan tâm là nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu phải uy tín và chất lượng, phải có giấy chứng nhận và các nhãn mác, logo của các đơn vị, sau đó hãy quan tâm đến giá cả. Và điều hiển nhiên, giá của những thực phẩm sạch đúng nghĩa sẽ cao hơn khá nhiều các loại thực phẩm bình thường.

Một số câu hỏi thường gặp

Có sâu trong rau có chứng tỏ thực phẩm là thực phẩm hữu cơ?

Rau có sâu chứng tỏ thực phẩm không phun thuốc là một quan niệm sai lầm trong việc sử dụng thực phẩm. Không ít nhà sản xuất đã tự chụp ảnh sâu bọ trên cây trồng để chứng minh cho người xem về sự không có hoá chất của vườn rau. Thực chất, sản phẩm hữu cơ phải được đánh giá dựa trên cảm quan, màu sắc, tiêu chuẩn kỹ thuật, có hệ tiêu chuẩn để chứng nhận.

Trong quá trình sản xuất hữu cơ như đã nói ở trên, sâu cũng nằm trong các vấn đề cần phải xử lý khi thực hiện trồng rau hữu cơ, chỉ khác ở chỗ chúng không bị tiêu diệt bằng hoá chất mà bằng các loại thuốc tự nhiên như tỏi, sả,... Còn những loại rau có sâu nguyên do có thể là phun thuốc không đúng lúc, đúng cách hoặc sâu kháng thuốc.

Thực phẩm hữu cơ có ngon và bổ hơn những thực phẩm thường?

Các sản phẩm hữu cơ được nuôi trồng trong hệ sinh thái cân bằng và ổn định nên thời gian sinh trưởng, tươi kéo dài hơn thông thường. Chúng đồng hoá và tích luỹ dinh dưỡng tốt do không bị cưỡng ép bằng cách chất kích thích tăng trưởng hoặc phân bón hoá học. Vì vậy mà theo phản ứng của phần lớn mọi người là chúng ngon hơn.

Tuy nhiên thì sản xuất hữu cơ cho năng suất thấp hơn, bề ngoài lại không bắt mắt, giá thành cao nên vẫn chưa thực sự được phổ biến ở Việt Nam về cả sản xuất lẫn tiêu dùng.

Vậy thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch khác nhau ở đâu?

Hiện nay, ra chợ, vào siêu thị ở Việt Nam, người ta thấy khắp nơi có thực phẩm được gọi là hữu cơ. Một cửa hàng nhỏ trên đường, thậm chí người bán hàng ngoài vỉa hè trên những tấm phản cũng có thể vô tư giới thiệu “rau hữu cơ đấy”. Đơn giản không phun thuốc sâu, không hóa chất tăng trưởng nên chúng được cho là hữu cơ. Đây là một sự nhầm lẫn cố tình và cả vô tình vì hiểu sai.

Thực phẩm sạch là thực phẩm thu được từ nguồn nuôi trồng, vẫn sử dụng các “đầu vào” là hóa chất như thuốc trừ sâu, chất hóa học tổng hợp...  Nhưng cách sử dụng hóa chất được thực hiện đúng quy trình để sản phẩm ra thị trường chỉ còn dư lượng độc hại dưới mức cho phép, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cũng vì thế chúng được gọi là sản phẩm “an toàn”.

Còn thực phẩm hữu cơ phải thu từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái đảm bảo, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông. Cấm dùng công nghệ biến đổi gen và kể cả công nghệ nano…

Hiện nay, ở Việt Nam, Dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ” (ADDA) là dự án duy nhất chuyên tập trung về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn quốc tế. Vì tiêu chuẩn chất lượng sản xuất khắt khe nên nhiều nhóm sản xuất trong dự án đã bị “vỡ” vì nông dân không thể tuân thủ. Thế nên tại Việt Nam lượng thực phẩm hữu cơ chưa thể dồi dào như người ta đang lầm tưởng.


-> Xem thêm Trồng na sạch 4.0 tại Quảng Ninh


Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com