-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Hạn mặn bủa vây ĐBSCL sau đại dịch 2020
06/04/2020
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện độ sâu xâm nhập mặn tại vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 100 - 110km; sông Cổ Chiên 68km; Hàm Luông 75km; sông Hậu 66km; vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn 61km. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt và tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường.
Do tình hình hạn mặn đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến diện tích cây trồng, thủy sản,... Ngành nông nghiệp đã có những giải pháp hữu hiệu bảo vệ cây trồng, thủy sản như hướng dẫn tưới tiết kiệm nước và triển khai mô hình thử nghiệm chống chịu mặn.
Tôm càng, cá chết đỏ ao vì hạn mặn
Ở Bến Tre, hơn 1.400 ha ao nuôi tôm càng xanh, cá tra bị thiệt hại 30% do nước có độ mặn cao, khiến nhiều nông dân thua lỗ.
Buổi trưa, ông Nguyễn Văn Thường (51 tuổi, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú) cầm thau nhựa xuống xuồng, bơi ven bờ ao tôm 1,6 ha. Dọc bờ ao, những con tôm càng xanh bốn tháng tuổi, to bằng ngón tay cái, vỏ ngả sang màu gạch chết nổi lềnh bềnh. Ông Thường một tay bơi xuồng, tay còn lại vớt những con chết lẫn những con lờ đờ. Sau nửa tiếng, số tôm trong thau đã gần 2 kg, ông Thường mang ra sau nhà, những con còn sống ông biếu người quen, còn tôm chết ông đào một hố nhỏ rồi chôn lấp để khỏi lây lan mầm bệnh cho các ao khác.
Địa phương có truyền thống nuôi tôm càng xanh quảng canh xen với lúa, từ tháng 8 âm lịch, ông Thường bắt đầu gieo sạ, đến tháng 11 khi lúa bắt đầu chín thì thả tôm. Năm nay, do mặn xâm nhập sớm và sâu, nhiều nông dân không kịp trở tay, đa số lúa đều bị nhiễm mặn. Diện tích lúa nhà ông Thường đã sớm đắp bờ ngăn, nhưng nước mặn vẫn vào đồng, thiệt hại khoảng 50%. Gia đình ông chỉ còn trông vào vụ tôm, nên thả 250.000 con tôm sú, càng xanh giống, chi phí con giống lẫn thuốc men, thức ăn hơn 80 triệu đồng.
Tôm càng xanh bốn tháng tuổi chết do nước quá mặn, được ông Nguyễn Văn Thường
"Vụ năm ngoái, lúa lẫn tôm trừ chi phí tôi lãi 150 triệu đồng. Vụ này dự kiến chỉ hơn một tháng nữa là thu hoạch, nhưng giờ chắc trắng tay", ông Thường nói.
Nhiều nông dân như ông Thường cho hay nếu tình hình này kéo dài, sang năm nông dân sẽ tính đến phương án thay đổi giống lúa lẫn giống thủy sản, để thích nghi với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Kế bên vuông tôm của ông Thường, mấy hôm nay, bà Lê Thị Sương (74 tuổi) cùng ba người con thay phiên nhau dùng vợt lưới đi quanh ao vớt tôm chết. Gia đình bà có hơn 4 ha tôm càng xanh, thời điểm này những năm trước, chỉ cần quăng chài xuống ao là bắt được mấy ký tôm. Còn bây giờ, ao tôm chỉ còn trơ nước, mỗi ngày phải vớt cả nghìn con tôm chết đem chôn.
"Những năm trước, nước mặn lắm cũng chỉ 17 phần nghìn trở lại, con tôm càng xanh còn chịu được, còn năm nay, độ mặn đo dưới ao đã trên 20 phần nghìn, cứ đà này vài hôm nữa ao tôm sẽ chết hết" bà Sương thở dài nói.
Toàn xã Mỹ An có khoảng 330 ha ao nuôi tôm càng xanh quảng canh, đa số đều thiệt hại khoảng 80%. Theo người dân, đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước, người nuôi tôm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không như bây giờ!
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết toàn tỉnh có hơn 3.000 ha ao nuôi tôm càng xanh xen canh, quảng canh và gần 1.500 ha ao nuôi cá tra, trê, mè.
Vụ này, do nước quá mặn làm thủy sản nuôi ăn yếu, chậm lớn và hao hụt, gần 1.000 ha ao nuôi tôm càng xanh và hơn 400 ha ao nuôi cá tra, mè bị ảnh hưởng khoảng 30%, thiệt hại sơ bộ gần 80 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam.
Xót xa lúa chết hàng loạt, không có nước tưới tiêu
Nhìn 5 công lúa Đông Xuân 3 tháng tuổi đang bị thiếu nước trầm trọng trên nền đất khô quánh, đặc cứng, ông Võ Văn Lâm (ngụ xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) buồn bã: “Hạn mặn kéo dài, toàn bộ số lúa này thiếu nước không ngậm sữa được thì coi như là mất trắng. Năm ngoái một công đất, nhà tôi thu hoạch được khoảng 40 dạ lúa. Năm nay, mong kiếm một dạ cũng khó, nhiều nhà bỏ ruộng không trồng cho khỏi hao công”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, mấy năm trước thu hoạch cũng có lời chút đỉnh nhưng năm nay do thời tiết quá nóng, tôm thả chậm lớn, chi phí cao nhưng giá thành lại giảm mạnh. “Nhà tôi có 6 ha, nhưng chỉ làm khoảng 2 ha, chi phí cải tạo ao nuôi hơn 100 triệu đồng, đó là chưa tính tiền con giống cũng vài chục triệu đồng nữa. Còn lại 4 ha để đó chờ khi mưa xuống, thời tiết mát mẻ lại mới dám cải tạo để thả tiếp” chị Nguyệt chia sẻ.
Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, hạn hán, ngập mặn đã làm cho hơn 5.100 ha lúa của hơn 6.700 hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại, nhiều vườn cây ăn trái và hoa màu bị ảnh hưởng.
Ngập mặn cũng làm nhiều diện tích lúa của người dân ở huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long của tỉnh Bạc Liêu sắp thu hoạch héo úa, năng suất giảm mạnh.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông có nguy cơ bị chia cắt vì sạt lở, sụt lún do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Tại Cà Mau, một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy; đã có hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụt lún, sạt lở với chiều dài gần 22km (trong đó, có tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây). Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, gần 43.000ha rừng (có diện tích Vườn Quốc gia U Minh Hạ) đang trong tình trạng báo động nguy cơ cháy.
Còn tại Kiên Giang, trên sông Cái Lớn độ mặn xâm nhập sâu nhất khoảng 47km; trên sông Cái Bé, độ mặn xâm nhập sâu nhất khoảng 30km. Tình hình này khiến 600 ha lúa năng suất giảm từ 30-70%.
Kiểm tra thực tế tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nguy cơ hạn, mặn năm nay có thể khốc liệt hơn năm 2015 - 2016 nhiều.
Nguyên nhân dẫn đến hạn mặn khốc liệt?
Theo chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân hạn mặn là do hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong làm cho lượng mưa thấp, mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục ngay trong mùa lũ. Do hiện nay đang vào mùa khô, đoạn tuyến đi qua khu vực ngọt hóa, mực nước dưới kênh, rạch bị hạ xuống rất thấp, trong khi lòng kênh sâu, dẫn đến mất ổn định.
Bên cạnh đó, tình trạng hạn mặn của ĐBSCL hiện nay gay gắt hơn trước đây cũng một phần vì hệ thống tự nhiên của khu vực đã bị thay đổi. Các đê bao khép kín khắp nơi chiếm không gian hấp thu lũ, nước lũ ít vào được ruộng, vườn nên tăng ngập các thành phố và chảy ra biển trong mùa nước. Đến mùa khô khi dòng Mekong yếu thì bản thân ĐBSCL đã không còn nhiều nước, nên mặn lấn sâu hơn.
Ứng phó thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại
Để chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trên cây trồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Vừa qua, theo thông tin từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam có nước ngọt từ thượng nguồn đổ về nên ngành nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị liên quan tiến hành đo độ mặn nước để mở cống lấy nước ngọt vào cho bà con vận chuyển hàng hóa bằng ghe, tàu và lấy nước tích trữ phục vụ tưới tiêu cho cây màu, cây ăn trái. Đồng thời, để kịp thời thông tin nhanh đến người dân khi có nước ngọt về, ngành đã chỉ đạo đơn vị liên quan thông báo số liệu mặn hàng ngày qua email, hộp thư điện tử, hệ thống tin nhắn SMS và trên các phương tiện thông tin đại chúng để địa phương và người dân biết cũng như đề nghị các địa phương bố trí các điểm đo mặn trên các tuyến kênh, rạch chính phục vụ sản xuất của địa phương, thông báo tình hình mặn hàng ngày qua Zalo cho cán bộ phụ trách thông báo rộng rãi cho người dân biết chủ động lấy nước khi có nước ngọt về...”.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương khuyến cáo nông dân cần xử lý tốt môi trường ao nuôi trước khi thả nuôi thủy sản mới. Đồng thời xét nghiệm mẫu nước, chất lượng con giống trước khi thả giống; không sử dụng các loại hóa chất độc hại, hóa chất không rõ nguồn gốc trong xử lý môi trường ao nuôi.
Tháng 3/2020, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS); khuyến cáo các mô hình nuôi bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Phân công cán bộ chuyên ngành thủy sản bám sát địa bàn, nắm tình hình NTTS; hướng dẫn xử lý tôm nuôi bị dịch bệnh, cải tạo ao đầm, bơm bùn đáy ao ra môi trường... Tiếp tục cấp mã số cho các cơ sở, vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường NTTS năm 2020; tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng, giá cả vật tư phục vụ NTTS, về quản lý môi trường. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo quy định và các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; thường xuyên cập nhật sản lượng thủy sản khai thác, số lượng tàu thuyền, lực lượng thuyền viên. Kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, xử lý các trường hợp vi phạm; cấp sổ và hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác thủy sản; cấp giấy chứng nhận khai thác thủy sản cho các tàu cá phục vụ chế biến xuất khẩu vào thị trường châu u. Nhân rộng các mô hình khai thác hải sản theo tổ, đội; tuyên truyền về ranh giới biển và vùng khai thác cho các tàu khai thác xa bờ, các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, khi cây ăn trái đã bị nhiễm mặn bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột lượng 500 - 1.000kg/ha, nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn, phân vi lượng chứa canxi, magie, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây; không rải vụ, trồng mới cây trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây. Trước khi lấy nước kiểm tra độ mặn cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1‰; đối với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn trên 5‰. Hy vọng những biện pháp ứng phó Trần Gia tổng hợp trên sẽ giúp bà con nhà nông giảm thiểu tối đa thiệt hại trong mùa vụ khốc liệt.
-> Xem thêm Không phải cứ khoai tây là có thể ăn, loại khoai tây chứa độc bạn không thể ngờ
Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:
Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0961 470 670
Email: luoitrangia@gmail.com
Các tin khác
- Lưới cước xanh trong nuôi hải sản 21/10/2024
- Khởi nghiệp từ nông nghiệp 10/10/2024
- Lưới nhà kính trong nông nghiệp nhà màng 28/09/2024
- MÀNG PHỦ NÔNG NGHIỆP MUA Ở ĐÂU? 25/08/2023
- Lưới lót sàn giá rẻ - Đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí 24/08/2023
- Tìm hiểu về lưới an toàn giảm thiểu tai nạn trong xây dựng 21/08/2023
- CÁCH CHỌN LƯỚI CHE NẮNG CHO LAN 18/08/2023