Chăn nuôi gia súc mùa mưa lũ

12/10/2020
Chăn nuôi gia súc mùa mưa lũ
Vào mùa mưa lũ, thời tiết có những thay đổi phức tạp, diễn biến khó lường, thường có bão lốc, lũ lụt lớn xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm cho dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lan ra diện rộng.


Vì sao vào mùa mưa thường xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm?


Vào mùa mưa, mầm bệnh theo nước lũ sẽ lan đi khắp nơi. Lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy hiểm càng lớn. Mặt khác, trong khi có sự di chuyển đàn gia súc, gia cầm tránh lũ sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại cũng không được thực hiện tốt làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và bùng phát.


 

Vào mùa mưa lũ, những bệnh nào ở gia súc, gia cầm thường xảy ra?


- Đó là bệnh dịch tả, lở mồm long móng ở trâu, bò, dê; bệnh tiêu chảy ở lợn con; bệnh Gumboro, tụ huyết trùng, cầu trùng… ở gia cầm, thủy cầm.
 

Vì sao phải chủ động phòng chống dịch bệnh ở vật nuôi?


- Chủ động có nghĩa là áp dụng các biện pháp khi dịch chưa kịp xảy ra, chủ động tấn công tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh ở môi trường đồng thời với việc áp dụng các biện pháp nâng cao sức khỏe vật nuôi, nâng cao sức chống chịu bệnh tật. Khi mầm bệnh còn ở ngoài môi trường, chúng rất dễ bị tiêu diệt bởi các tác động ngoại cảnh được thực hiện qua biện pháp vệ sinh tẩy uế môi sinh. Một khi chúng xâm nhập vào cơ thể vật nuôi và gây thành bệnh thì chi phí chữa trị rất tốn kém mà hiệu quả thường không cao.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vào mùa mưa lũ như thế nào cho hiệu quả?


- Thứ nhất: Đối với những vùng có nguy cơ và thường hay ngập lụt, cần chủ động tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn cao cho chúng ở; làm rèm che chắn mưa tạt gió lùa để gia súc, gia cầm được ở sạch.

- Thứ hai: Đảm bảo luôn luôn có nước uống sạch cho gia súc, gia cầm. Cần có đủ thùng đựng nước. Nước cần được đánh phèn cho trong và khử trùng bằng Chloramin-B hoặc Chloramin-T, pha 1 viên với 25 lít để khử trùng nước uống cho gia súc, gia cầm.

- Thứ ba: Vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn tận dụng, thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng. Nâng cao sức chống chịu cho vật nuôi là chủ động phòng ngừa rất có hiệu quả sự nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm ở chúng.

- Thứ tư: Thực hiện vệ sinh thật tốt, thường xuyên quét dọn chuồng trại để vật nuôi được ở sạch. Định kỳ 1 tuần 1 - 2 lần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng dung dịch 1% - 2% BKA hoặc Benkocid (pha 20 - 30ml thuốc, 110 lít nước) hoặc 1% Chloramin-T. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh truyền nhiễm đến đó.

* Xử lý xác vật nuôi: Phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác vật chết, phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp.

Thứ năm: Tổ chức tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các vắc-xin phòng chống bệnh ở vật nuôi:

+ Đối với trâu, bò, dê: Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

+ Đối với lợn: Tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng phó thương hàn và lở mồm long móng.

+  Đối với gia cầm: Cần tiêm phòng dịch tả gà, vịt…


- Thứ sáu: Khuyến cáo hạn chế sử dụng kháng sinh, các chất kích thích tăng trọng… để có thực phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Tổ chức tốt hơn việc triển khai đồng bộ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và không để sót địa bàn, địa phương nào.

Tóm lại, phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm mùa mưa lũ là công việc quan trọng cần được tổ chức, giám sát thực hiện, huy động sức mạnh của tất cả cộng đồng từ các cấp quản lý Nhà nước đến người chăn nuôi trực tiếp. Làm được như vậy tức là chủ động phòng chống có hiệu quả dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.

Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm mùa lũ


Mùa lũ đến thường gây dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, làm thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long. Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm có hiệu quả, bà con cần lưu ý những điểm sau:

- Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần chủ động tôn cao nền chuồng, làm sàn kê cao và dự trữ thức ăn đầy đủ, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa, đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia súc như bệnh tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng...

- Đối với những vùng bị ngập lụt, bằng mọi cách phải di dời gia súc, gia cầm lên những vùng đất cao, làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ thức ăn đầy đủ và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, nhất là không cho gia súc, gia cầm uống nước lũ đã nhiễm bẩn, cần cho uống nước đã lắng phèn hoặc khử trùng.

- Ngoài ra, công tác phòng bệnh và chăm sóc gia súc, gia cầm trước, trong và sau khi lũ rút là rất cần thiết. Để phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, trước hết phải làm tốt công tác chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường và theo dõi nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh để chủ động phòng chống khi dịch bệnh có thể xảy ra, gây thiệt hại cho đàn gia súc gia cầm của hộ gia đình.


Công tác thú y


– Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Hàng ngày, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy đinh và có biện pháp xử lý sát trùng.

– Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật  nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông  viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

– Sau bão lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Nhanh chóng đưa gia súc gia cầm vào chuồng khô và ấm. Thay hoặc bổ sung đệm lót khô cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi. Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời.

- Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư để đảm bảo an toàn dịch bện gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.




Công ty TNHH TM-SX-TH Trần Gia với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất và phân phối các sản phẩm lưới nông nghiệp sẽ mang đến giải pháp tốt nhất cho nhu cầu của bạn về phương pháp trồng trọt tiên tiến này. Mọi thông tin về sản phẩm, xin vui lòng liên hệ với công ty Trần Gia chúng tôi tại:

Địa chỉ: 47 đường 17 khu phố 5 phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0961 470 670

Email: luoitrangia@gmail.com